Thế giới thay đổi ra sao sau 1 tháng ông Trump làm tổng thống?

Tổng thống Donald Trump đã dành tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai cho một sứ mệnh khác thường: Phá bỏ hệ thống toàn cầu mà Mỹ đã xây dựng suốt 80 năm qua. Về lý thuyết, phương Tây đã trở nên lỏng lẻo khi Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh ngày càng trở thành ký ức xa vời. Nhưng không ai ngờ một tổng thống Mỹ có thể làm với mức độ như vậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong sân Nhà Trắng, ngày 22/2. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong sân Nhà Trắng, ngày 22/2. (Ảnh: AP)

Trái bóng phá

Khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, một số nhà ngoại giao phương Tây nghĩ rằng chính phủ của họ đã biết cách ứng phó với một vị tổng thống thích thông báo chính sách đối ngoại bằng tweet. Tuy nhiên, cú sốc khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải họp khẩn cấp tại Paris trong tuần qua cho thấy họ đã đánh giá thấp mức độ tác động của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine và thể hiện nhiều quan điểm tương đồng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phó Tổng thống JD Vance đến Munich để chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu là “bạo chúa” đàn áp tư tưởng bảo thủ và gây sức ép buộc Đức phải phá bỏ “bức tường lửa” chính trị mà nước này dựng lên để ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa phát xít.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth phát biểu với người châu Âu, rằng giờ đây họ cần phải sở hữu năng lực an ninh thông thường, gây nghi ngờ về nền tảng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với điều khoản về bảo vệ lẫn nhau.

Việc Mỹ quay lưng với chính sách đối ngoại truyền thống được cho là vì nỗi ám ảnh đặc biệt của ông Trump và những thay đổi địa - chính trị trên thế giới. Mỹ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới, nhưng không còn mạnh đến mức có thể buộc những nước khác, nhất là Trung Quốc, phải tuân theo quy tắc của mình.

Hiện tại, Mỹ đang có có một tổng thống không có ý định tuân thủ bất kỳ quy tắc kinh tế, thương mại và ngoại giao nào, đe dọa sáp nhập Canada và giành lại kênh đào Panama. Không chỉ vậy, chính quyền Mỹ cũng đang tìm cách gây xáo trộn các nền dân chủ gần với Mỹ và khuyến khích phong trào dân túy cánh hữu trên toàn cầu.

Bài phát biểu của ông Vance tại Hội nghị An ninh Munich cảnh báo rằng các chính phủ châu Âu đe dọa an ninh của chính họ nhiều hơn Trung Quốc hoặc Nga, vì các chính sách mà họ đang áp dụng về quyền tự do ngôn luận và nhập cư.

Ông cũng đã gặp lãnh đạo của AfD, một đảng cực hữu ở Đức có nguồn gốc từ chủ nghĩa phát xít mới và khuyến khích đảng cực hữu ở những nơi khác, như Pháp và Anh.

Vậy, châu Âu có thể làm gì khi nước Mỹ - quốc gia đã xây dựng lại lục địa từ đống tro tàn của Thế chiến II - dường như đang trở thành một thế lực thù địch công khai? Dựa trên kinh nghiệm đối phó với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo trong nhiều năm qua, rằng châu Âu cần nhận ra Mỹ đã trở thành một đối tác không đáng tin cậy.

Khi cam kết quân sự của Mỹ đối với các đồng minh trở nên không chắc chắn, các thành viên khác của NATO không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng chi tiêu quân sự.

Điều này sẽ rất đau đớn vì nhiều chính phủ châu Âu đang phải vật lộn để cân bằng chi tiêu và đang chịu áp lực cực lớn để duy trì chương trình phúc lợi.

Trong Liên minh châu Âu (EU) hiện nay có một số nhà lãnh đạo muốn giúp ông Trump thực hiện chính sách mới, trong đó có Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Bài toán Ukraine

Câu chuyện gây chú ý nhất hiện nay là cách ông Trump giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Có thể sẽ có thêm thông tin về triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình và cách thức thực hiện khi Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer thăm Washington trong tuần này.

Hai chuyến thăm sẽ cho thấy Mỹ và châu Âu còn có thể hợp tác với nhau trong vấn đề Ukraine hay không, sau khi châu Âu bị loại khỏi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Ả-rập Xê-út vừa qua.

Cả Anh và Pháp đều cho biết sẵn sàng gửi quân đến Ukraine để giám sát thỏa thuận hòa bình, nhưng rất khó để làm điều đó nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ về không quân, tình báo và hậu cần.

Một trong hai nhà lãnh đạo khi xuất hiện tại Phòng Bầu dục có thể gây ấn tượng với ông Trump bằng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Ông Macron đã tiết lộ một số điều về chuyến thăm của ông. "Tôi sẽ nói với ông Trump: 'sâu thẳm bên trong, ngài không thể yếu đuối trước Tổng thống Putin. Đó không phải là ngài, không phải là thương hiệu của bạn'".

Anh không còn là thành viên EU nữa, nhưng London vẫn đồng hành với Tổng thống Macron và các nhà lãnh đạo khác trong khối này. Thủ tướng Starmer đang nỗ lực khôi phục vai trò trước đây của Anh, là cầu nối hữu hiệu giữa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là ông Trump không muốn qua cầu, mà muốn đốt cháy nó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Anh Keir Starmer đến dự hội nghị bất thường của các lãnh đạo châu Âu ở Paris, ngày 17/2. (Ảnh: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Anh Keir Starmer đến dự hội nghị bất thường của các lãnh đạo châu Âu ở Paris, ngày 17/2. (Ảnh: AP)

Đánh giá của người dân

Cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos vừa thực hiện cho thấy người Mỹ đánh giá Tổng thống Trump ở mức trung bình trong cách ông xử lý nền kinh tế và nỗ lực thu hẹp chính phủ. Họ cũng không không ấn tượng với một số vấn đề lớn mà ông đã chọn, như ý tưởng tiếp quản Dải Gaza.

Cuộc thăm dò, được tiến hành từ ngày 13 – 18/2 với hơn 4.000 người trưởng thành ở Mỹ trên toàn quốc, cho thấy ông Trump đã nỗ lực đáng kể để thực hiện những chính sách mà nhiều người Mỹ không thích hoặc không coi là quan trọng.

Nỗi thất vọng lớn về tình trạng lạm phát kéo dài đã giúp ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 năm ngoái. Có đến 58% trong số người được hỏi cho biết lạm phát là vấn đề chính sẽ quyết định lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Chỉ có 32% ủng hộ công việc ông Trump đang làm để xử lý lạm phát.

Chỉ 25% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ ý tưởng của ông Trump về việc để Mỹ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine đi nơi khác.

Lời kêu gọi của ông Trump về giải tán Bộ Giáo dục bị nhiều người phản đối, với 65% số người tham gia khảo sát không ủng hộ, trong đó có 2/5 người là thành viên đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, nhiều người ủng hộ chương trình cắt giảm chi phí mà tỷ phú Elon Musk thực hiện bằng cách cắt giảm quy mô chính phủ. 94% những người theo dõi phong trào MAGA ủng hộ nỗ lực do ông Musk dẫn dắt, 78% cho biết đây sẽ là "động lực rất lớn" đối với họ trong các cuộc bầu cử trong tương lai.

Vị tỷ phú cho biết việc cắt giảm hàng loạt vị trí việc làm đã tiết kiệm cho người nộp thuế 8,5 tỷ USD.

Tú Linh

Theo CNN, Reuters, AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-gioi-thay-doi-ra-sao-sau-1-thang-ong-trump-lam-tong-thong-post1719603.tpo
Zalo