Tổng Thư ký LHQ kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine
Tổng Thư ký LHQ António Guterres ngày 23/2 nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một đề xuất hòa bình 'công bằng, bền vững và toàn diện' để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, ông Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở quốc gia châu Âu này, bày tỏ tiếc thương về hàng nghìn người thiệt mạng và sự tàn phá sau 3 năm khủng hoảng.
Ông cũng hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình công bằng và bao trùm, đồng thời khẳng định LHQ sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào về vấn đề này. Người đứng đầu LHQ đưa ra phát biểu trên nhân dịp ngày 24/2 đánh dấu 3 năm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vừa nói với hãng tin Fox News rằng Washington đã nói rõ sẽ không điều quân tới Ukraine. Khi được hỏi liệu lực lượng Mỹ có thể được triển khai tới Ukraine hay không, ông Hegseth trả lời: "Chúng tôi đã nói rất rõ về điều này. Quân đội Mỹ sẽ không hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng quan hệ đối tác kinh tế là quan trọng".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng "ở lục địa châu Âu, châu Âu nên đi đầu trong việc bảo đảm an ninh”. Ông nói thêm: "Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố 'chúng tôi sẵn sàng can thiệp ở Ukraine và giúp đảm bảo an ninh'. Chúng tôi hoan nghênh điều đó".
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2.
Theo nguồn tin, London và Paris muốn nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của họ gặp nguy hiểm. Theo kế hoạch này, Pháp và Anh muốn triển khai cả lực lượng lục quân, không quân và hải quân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng Nga có thái độ tiêu cực đối với ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine. Theo ông, đây là bước đi dẫn tới leo thang căng thẳng.
Cùng ngày 23/2, giới chức Ukraine đã khẳng định quyết tâm chấm dứt xung đột trong năm 2025 trong bối cảnh có những diễn biến mới cho thấy hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tròn 3 năm này song vẫn có những bất đồng về lập trường của các bên.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại diễn đàn "Ukraine: Năm 2025" diễn ra ở Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông đã sẵn sàng từ chức để đổi lấy việc Kyiv được kết nạp vào Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ, ông Zelensky cũng bày tỏ mong muốn được thảo luận trực tiếp với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo đạo Mỹ - Nga.
Cũng trong sự kiện này, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha khẳng định sẽ huy động toàn bộ các phái đoàn ngoại giao của Ukraine để đạt được mục tiêu là chấm dứt xung đột với Nga và đạt được hòa bình công bằng trong năm 2025. Ông Sybiha nhấn mạnh an ninh của Ukraine không thể tách rời an ninh của châu Âu và của Mỹ.
Trong khi đó, ông Andriy Yermak - Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết chính phủ đang xem xét các cơ hội đầu tư khoáng sản với cả Mỹ và các nước châu Âu.
Chia sẻ trên ứng dụng nhắn tin Telegram sau đó, ông Yermak cũng cho biết đã có tiến triển trong cuộc đàm phán cùng ngày với đại diện Mỹ về nội dung này.
Cùng với Kiev, hiện giới chức châu Âu cũng đang tìm cách điều chỉnh để phù hợp những thay đổi bất ngờ trong chính sách đối ngoại của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 23/2, tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Antonio Costa, thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của châu Âu về xung đột Ukraine vào ngày 6/3.
Trong một sự kiện ở Glasgow, Anh cùng ngày, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh lại lập trường của London rằng không thể có các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine nếu không có sự tham gia của Ukraine.
Ông cũng bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ rằng châu Âu cần có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình và khẳng định Anh sẽ đóng vai trò tiên phong. Dự kiến, Thủ tướng Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ lần lượt tới Washington trong tuần này để kêu gọi sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Theo truyền thông Mỹ, lãnh đạo Pháp, Anh có thể gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2 nhằm đề nghị sự hỗ trợ quân sự từ Washington.
Cùng ngày, ông Friedrich Merz, lãnh đạo phe bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Đức cho biết ưu tiên của ông là tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu khi nhận định phần lớn người Mỹ “thờ ơ với số phận của châu Âu”.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)