Những người giữ màu xanh cho thành phố

Lặng lẽ làm việc cả ngày bên những bồn hoa, cây cảnh trên các tuyến đường của thành phố Phủ Lý, hình ảnh những công nhân thuộc Xí nghiệp Công viên - Cây xanh, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam trở nên quen thuộc với nhiều người. Họ là những người giữ gìn, nâng niu màu xanh làm cho mỗi con đường, góc phố, công viên luôn xanh - sạch - đẹp và thành phố như được 'khoác' lên mình những 'tấm áo mới' vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn trong năm.

Hình ảnh những công nhân cần mẫn làm việc trên các tuyến đường tuy không còn xa lạ với hầu hết người dân thành phố nhưng sự nhọc nhằn, vất vả và cả những nỗi niềm, trăn trở của họ trong công việc thì ít ai biết đến. Mỗi ngày làm việc của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa; buổi chiều từ 13 giờ 30 phút cho đến 17 giờ. Cả ngày họ phải phơi mình ở ngoài trời để hoàn tất công việc được giao. Người thì cần mẫn cắt cỏ, dặm cỏ, trồng cây, trồng hoa, bón phân, người lại cắt tỉa cành cây, làm quang các tuyến đường, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị... Mùa hè đến, dưới cái nắng như thiêu, như đốt, công việc của họ càng thêm phần nhọc nhằn. Khi nói về cơ duyên đến với cái nghề không mấy nhẹ nhàng này, điểm chung của họ đó là: yêu cây, quý hoa. Ai nấy đều muốn được gắn bó lâu dài với công việc làm đẹp cho phố phường, giữ sắc xanh cho thành phố.

Là công nhân tổ chăm sóc cây vườn hoa Nam Cao, Xí nghiệp Công viên – Cây xanh, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Mến chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã thích trồng cây, chăm hoa trong vườn nhà. Khi xin làm công nhân cây xanh, hầu hết người thân trong gia đình tôi đều phản đối vì cho rằng, phụ nữ làm mảng cây xanh sẽ rất vất vả, phải dãi nắng, dầm mưa và thường phải tăng ca, tăng giờ làm, ngày làm vào các dịp lễ, Tết nên sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định theo nghề và quyết tâm gắn bó với nghề sau nhiều năm làm việc. Mỗi ngày đi làm, được tận tay chăm sóc, làm đẹp cho mỗi bồn cây, góc phố, làm đẹp cho công viên, các tuyến đường, tôi thấy lòng mình rất vui. Tôi tự hào về công việc của mình.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam chăm sóc cây, hoa tại vườn hoa Nam Cao, thành phố Phủ Lý.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam chăm sóc cây, hoa tại vườn hoa Nam Cao, thành phố Phủ Lý.

Khi được hỏi về công việc đang làm, nhiều công nhân cây xanh của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cũng cho hay, vì yêu thích hoa, cây cảnh nên họ mới xin vào làm công việc này. Bởi so với làm công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất, công việc này vất vả hơn mà thu nhập không cao. Ai yêu hoa, quý cây thì càng gắn bó với nghề hơn. Mong ước của họ trong mỗi ngày làm việc là làm sao cho đường phố của hôm nay thêm xanh, sạch, đẹp hơn ngày hôm qua. Chị Trần Thị Nga, người đã có thâm niên hàng chục năm làm công nhân cây xanh chia sẻ: Công việc của công nhân cây xanh cũng lắm chuyện buồn vui. Theo nghề đã nhiều năm nay, tôi càng thấm thía những nỗi buồn, tâm tư của đồng nghiệp. Đó là những lần tôi cũng như những công nhân khác phải chứng kiến cảnh một số người dân thiếu ý thức đã phá cây, nhổ hoa ngay trước mắt. Khi lên tiếng can ngăn thì họ tỏ thái độ, thậm chí nói rất khó nghe. Cũng đã có không ít những buổi sớm đi làm, nhìn những bồn hoa mới trồng, rực rỡ sắc màu từ chiều qua, nay tan hoang do người dân nhổ trộm mang về nhà trồng mà lòng tôi rất buồn.

Theo chia sẻ của những công nhân cây xanh, việc dọn cỏ, trồng, chăm sóc hoa hay việc dọn cây đổ ngang đường chỉ cần tập trung anh em và máy móc là có thể dễ dàng xử lý. Thế nhưng, việc đốn hạ, cắt tỉa cành cây lớn vất vả, nguy hiểm hơn nhiều vì phải leo trèo, thực hiện các thao tác trên cao. Mùa nắng nóng, công nhân phải chịu cái nắng gay gắt, còn mùa mưa thì dễ bị trượt ngã. Chuyện bị rắn, rết cắn, bị ong chích, kiến đốt hay việc bị máy cắt khứa vào tay trong lúc làm việc là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều người còn gặp tai nạn lao động trong quá trình làm việc như: bị mảnh vỡ thủy tinh, sành sứ, đinh, dây sắt, thép… xuyên qua bàn chân do người dân vứt rác, phế liệu bừa bãi ra đường. Anh Trần Nhật Tiến, người chuyên làm công việc cắt cỏ tại dải phân cách trên các tuyến đường cho hay: Cuối năm 2024, trong quá trình làm việc, tôi đã dẫm phải đoạn dây sắt và bị sắt xuyên qua lòng bàn chân. Tôi đã phải nghỉ việc trong thời gian dài. Thực tế, đã có không ít trường hợp tai nạn lao động xảy ra đối với công nhân cây xanh do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm sao để mỗi người, mỗi gia đình có ý thức hơn trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường, tạo thuận lợi cho công nhân làm việc, góp phần làm sạch, đẹp cho thành phố.

Công việc tuy vất vả là thế nhưng với những công nhân cây xanh, họ chăm cây, chăm hoa ở các tuyến đường chẳng khác gì trong vườn nhà mình và họ cũng vui buồn cùng cây hoa, không kém bất kỳ chủ vườn cây cảnh nào. Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, công nhân chăm sóc cây xanh tại vườn hoa Nam Cao (thành phố Phủ Lý) cho biết: Phải thường xuyên làm việc ở ngoài trời bất kể nắng nóng hay mưa rét, có những lần tôi và chị em công nhân bị say nắng hoặc nhiễm mưa lạnh, bị máy cắt cỏ khứa rách tay, chân. Thế nhưng mỗi ngày được nhìn ngắm những vạt cỏ xanh tươi mơn mởn, từng khóm hoa nở đẹp rực rỡ, đẹp mắt, tôi lại thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Niềm vui và tự hào với công việc nhiều còn là những lúc người dân đến ngắm nhìn, trầm trồ khen hoa trồng đẹp rồi chụp ảnh bên những luống hoa do chính mình tận tay chăm sóc. Hạnh phúc đó đã tiếp thêm cho tôi động lực và quyết tâm theo nghề.

Được biết, Xí nghiệp Công viên - Cây xanh của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam có gần 100 công nhân, chia thành nhiều tổ phụ trách các khu vực. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng chính sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, cùng sự yêu nghề mà công nhân cây xanh mới gắn bó được với nghề. Trong đó, có những người đã có thâm niên 10 năm, 20 năm và thậm chí là 30 năm. Hầu hết công nhân đều có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Hằng năm, công ty đều có chính sách chăm lo, hỗ trợ cho công nhân như trao tặng quà cho công nhân khó khăn, tổ chức cho công nhân đi tham quan, nghỉ mát dịp lễ, hè... Công việc này yêu cầu người làm không chỉ có sức khỏe tốt, sự bền bỉ, dẻo dai mà còn cần sự khéo tay và con mắt nghệ thuật. Họ phải đối mặt với những khó khăn mà chỉ có lòng đam mê với cỏ cây, hoa lá mới có thể giúp họ vượt qua và gắn bó với nghề.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/nhung-nguoi-giu-mau-xanh-cho-thanh-pho-162819.html
Zalo