Những người con nuôi của Bác Hồ
Sinh thời Bác Hồ luôn dành sự quan tâm và tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi trong nước và nước ngoài, bởi đó là những chủ nhân tương lai của nước nhà và nhân loại.
Chuyện kể rằng, cuối tháng 5/1946, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp.
Ngày 27/7/1946, Việt kiều ở Pháp tổ chức buổi chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vườn Hồng, Batagen, trong lâu đài D’Artois, nằm ven cánh rừng Bologne. Ông Raymond Aubrac, cựu Ủy viên Cộng hòa ở Marseille, Nghị sỹ Quốc hội Pháp được mời tới dự buổi chiêu đãi. Tại buổi chiêu đãi, ông được giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lúc trò chuyện với ông Raymond Aubrac, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ông về những việc ông đã làm cho nhân dân Việt Nam hai năm trước ở Marseille. Ông Raymond Aubrac ngỏ ý mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mình. Bác vui vẻ nhận lời.

Đúng hẹn, Bác Hồ đến thăm căn nhà và khu vườn của gia đình ông Raymond Aubrac (ở nhà số 90, đường Soisy Sous Montmorency, quận Seine et Oire, cách thủ đô Paris 10 km).
Ông bà Aubrac là những người có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản và rất kiên cường trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Năm 1946, bà Lucy vợ ông Aubrac sinh bé gái tại bệnh viện Bôdơlốc, ở đại lộ Port Royal, quận 5, Paris, bé gái đặt tên là Elizabeth. Bác Hồ đến bệnh viện thăm, tặng quà và nhận bé Elizabeth làm con đỡ đầu. Người gọi Elizabeth theo kiểu gọi thân mật trong gia đình là Babette. Gia đình ông Aubrac rất sung sướng và vô cùng hạnh phúc.
Sau này, hàng năm đến sinh nhật của con gái, Người thường gửi thư và quà tới ông bà Aubrac và con đỡ đầu của mình.

Bà Elizabeth giới thiệu quà của Bác Hồ gửi tặng
Quà Bác gửi tặng khá khiêm tốn, nhưng rất có ý nghĩa. Đặc biệt năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng một tấm lụa để may áo cưới khi con gái nuôi lập gia đình. Tấm lụa đến giờ vẫn giữ nguyên màu trắng ngà, mềm mại, bên trong kẹp một mẩu giấy nhỏ viết: “lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội”.
Babette, hiện là giáo viên có 3 người con. Những món quà Bác Hồ tặng, Babette vẫn giữ gìn như những kỷ vật. Babette nói với chồng và các con: “Chúng ta đang sống lại một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời mà Bác Hồ đã dành cho chúng ta”.
Từ thuở ấu thơ chưa biết gì, đã được Bác Hồ bế bồng, nhưng lớn lên chưa một lần gặp Bác, nhưng trong suy nghĩ, tình cảm của bà Elizabeth Helfer Aubrac đối với vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam Bác luôn là một người thân thiết trong gia đình.
Babette cho biết, do cha thường xuyên đi công tác, nên những câu chuyện về Bác Hồ chủ yếu do bà ngoại và mẹ kể, bà nói: “Từ nhỏ tôi đã có nhận thức được rằng tôi có một người cha đỡ đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam. Bác Hồ ở rất xa, vô cùng bận bịu, vì đang phải chiến đấu gian khổ để giành lại độc lập cho Việt Nam. Lớn lên một chút, tôi đã vẽ tranh và sau đó là viết thư gửi cho Bác Hồ. Tôi cũng thường xuyên nhận được những dòng thư ngắn, những lời nhắn của Người. Mỗi khi cha tôi đi công tác Việt Nam về, ông đều mang theo lời nhắn của Bác “Hãy ôm hôn Babette giùm tôi”- Bà cho biết.
Mỗi khi có một người Việt Nam nào đó đến thăm, bà cũng giới thiệu những kỷ vật của Bác Hồ tặng gia đình bà. Nhắc đến thời điểm Bác Hồ “đi xa”, giọng bà chùng xuống, xúc động: “Chúng tôi có cảm tưởng như mất một người thân yêu trong gia đình. Đây là một thời điểm hết sức khó khăn và nặng nề đối với nhân dân Việt Nam và gia đình chúng tôi. Khi đến viếng Người tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, chúng tôi thấy một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to, có dải băng đen phía trước. Cán bộ và nhân viên Sứ quán đứng bất động như những pho tượng. Họ quá đau buồn, trước tổn thất to lớn. Không ai có thể hình dung nổi Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” mà không kịp nhìn thấy nước nhà thống nhất”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Aubrac
Ngoài người con gái nuôi đầu tiên người Pháp, Bác Hồ còn có hai người con nuôi rất đáng quý.Đó là Knuth Wolfgang Hartmann, sinh sống ở miền Nam nước Đức (trước thuộc CHDC Đức cũ). Knuth được Bác Hồ nhận làm con đỡ đầu, khi có trùng ngày sinh với Người (19/5). Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên đó mà ông bà Walter R. Hartmann, cha mẹ của Knuth, đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ cảm tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và xin Người nhận Knuth Wolfgang Walter Hartmann làm con đỡ đầu.
Tại chiến khu Việt Bắc, mặc dù bộn bề công việc, để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến thiết đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư trả lời ông bà Hartmann.
5 tháng sau ngày gửi thư, ông bà Hartmann đã nhận được thư trả lời của Người đề ngày 15/9/1951. Trong thư có đoạn viết: “...Tôi cảm ơn bà và ông đã gửi thư và ảnh cho tôi. Và tôi rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đầu. Tôi gửi tặng cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng tiền Việt Nam để làm kỷ niệm... ”.
Ngày 19/5/1954, Bác lại gửi tặng gia đình ông bà Hartmann bức ảnh Người chụp chung với một bé gái. Phía sau bức ảnh Bác viết: “Thân ái gửi con đỡ đầu yêu quý Knuth Wolfgang Walter Hartmann- Việt Nam 19/5/1954 Hồ Chí Minh”.
Nhận được thư của Bác, gia đình ông Hartmann vô cùng xúc động, bởi tình cảm và sự quan tâm mà Người đã dành cho gia đình ông. Gia đình ông Hartmann rất trân trọng tình cảm của Bác Hồ dành cho họ.
Còn đối với đứa con đỡ đầu của Bác Hồ, khi còn là cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như lúc tham gia quân đội, hay là cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp lai bò giống , Knuth luôn luôn mang bên mình tấm ảnh của Người tặng.
Ở nước Nga, quê hương của Lê-nin vĩ đại, Bác Hồ cũng có một bé gái Irsơca Dmitrievna Denia, sinh vào mùa Xuân năm 1957, là con của X. Colosov, một nhà báo (từng là phóng viên của Thông tấn xã APN) và vợ là bác sĩ Anna Stasia Vasievna ở thành phố Giucovski, ngoại ô Matxcơva. Mặc dù chưa một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng với tấm lòng kính yêu Bác, nên khi sinh con gái đầu lòng, ông bà đã viết thư gửi Bác, đề nghị Người làm cha đỡ đầu cho con gái nhỏ của họ. Bức thư có đoạn viết: “Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục rất tốt đẹp ở nước Nga, chúng cháu chân thành đề nghị Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúng cháu - con gái tên Irsơca” .
Không lâu sau ngày gửi thư, gia đình nhà báo Colosov đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư có đoạn Bác viết: “Cô Anna Vasievna và chú Dmitri Grigorevich thân mến!
Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú. Tôi mong rằng sự nhận lời của tôi sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô”.
Cùng với lá thư, còn kèm theo bức ảnh chân dung của Người, trên đó viết bằng tiếng Nga “Hôn con Irsơca, chúc con mạnh khỏe và hạnh phúc - cha nuôi Hồ”.
Đến tháng 5/1960, gia đình X. Colosov, nhận được bức thư thứ hai của Bác, trong thư có đoạn Người viết:
“Tôi đã nhận được thư của cô chú! Tôi gửi lời chào thắm thiết nhất tới bé Irsơca, chúc bé khỏe, hạnh phúc - Hôn bé - Hồ Chí Minh”.
Tháng 11/1960, Irsơca và bố mẹ được gặp Bác Hồ tại một ngôi nhà trên phố Alexey Tolstoy, nhân dịp Người và Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Matxcơva dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng tháng Mười vĩ đại.
Cuộc gặp diễn ra rất tình cảm và thân mật. Bác mời gia đình Irsơca cùng ăn cơm trưa với Người.
Trong lúc nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư trả lời cho con gái đỡ đầu yêu quý của mình.
Ngoài nhận là cha đỡ đầu, Bác còn có một người con nuôi đã trưởng thành, một anh “bộ đội Việt Minh”, có công đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đó là anh Stefan Kubiak, người Ba Lan, sinh ngày 25/8/1923. Sau thế chiến thứ II, ông bị nhà cầm quyền Pháp cưỡng bức vào binh doàn Lê Dương Pháp. Cuối năm 1946, đơn vị ông được điều sang tham chiến tại chiến trường Đông Dương. Đơn vị ông đóng ở Nam Định. Tại đây, ông đã nhận ra, cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, ông đã nhanh chóng chuyển hướng, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Việt Minh lãnh đạo. Tháng 4/1947, ông bí mật đào ngũ và xin gia nhập vào Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ban đầu Stefan được bố trí làm công tác địch vận. Ông từng khoác bộ quân phục sỹ quan Pháp, đột nhập vào lô cốt Pháp, nơi khó tấn công nhất, mở đường máu cho bộ đội ta xông lên đánh chiếm lô cốt thắng lợi.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã tham gia nhiều chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao chỉ huy đơn vị pháo binh. Trong chiến đấu, Stefan rất mưu trí, dũng cảm, gan dạ, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Do những chiến công đó, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận Stefan Kubiak làm con nuôi và đặt tên Việt cho ông là Hồ Chí Toán. Người lính con nuôi Bác Hồ, thông tuệ, không ngại hy sinh gian khổ, Stefan được tuyên dương công trạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1956, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Phượng, người con gái Hà Nội. Họ có với nhau hai người con trai, được Bác Hồ đến thăm và đặt tên cho hai cháu là Hồ Chí Thành (1956) và Hồ Chí Dũng (1958).
Ông qua đời tại Hà Nội ngày 25/11/1963, do bệnh nặng. Hưởng dương 40 tuổi. Mộ ông hiện ở nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.
Sau hai năm ông qua đời, năm 1965, bà Phượng cùng hai con trai trở về Ba Lan quê của ông Stefan sinh sống. Năm 2007, bà Phượng mất. Hiện nay hai người con trai đều là doanh nhân thành đạt tại Ba Lan. T.M.T
Năm 2025, trong chuyến thăm Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc nói chuyện với anh Hồ Chí Chí Dũng. Thủ tướng rất bất ngờ rằng người đàn ông cao lớn “mắt xanh mũi lõ”, nói chuyện với mình bằng tiếng Việt phát âm giọng Bắc rất chuẩn. Không ai khác đó là anh Hồ Chí Dũng, con trai ông Hồ Chí Toán, con nuôi của Bác Hồ.