Những lần bí mật di chuyển an toàn thi hài Bác
Tháng 5 này, chúng ta kỷ niệm 135 ngày sinh nhật Bác, người dân vào Lăng viếng Bác đông hơn. Nhìn Bác nằm trong Lăng, thanh thản trong giấc ngủ dài, ít ai biết rằng trước đây chúng ta đã 6 lần bí mật di chuyển an toàn thi hài Bác.
Xây dựng công trình dự phòng
Theo Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng suy yếu, tháng 6/1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương Đảng quyết định thành lập Tổ Y tế đặc biệt thuộc Quân y Viện 108. Cùng với việc chuẩn bị về y tế, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng một công trình ở phía sau Nhà tang lễ Quân y Viện 108 (mật danh 75A) để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng một công trình ở Hội trường Ba Đình (mật danh 75B) để thi hài phục vụ Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau Lễ truy điệu, 21 giờ ngày 9/9/1969, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa trở lại 75A để chính thức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài.

Vào ngày sinh nhật Bác, người dân vào Lăng viếng Bác được phát bánh và nước miễn phí.
Trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra chiến tranh, đề phòng đế quốc Mỹ có thể tráo trở ném bom trở lại miền Bắc với quy mô ác liệt hơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định phải xây dựng một công trình khác như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần thiết sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó.
Qua quá trình đi khảo sát ở nhiều nơi, Ban Chỉ đạo đã đề nghị chọn K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) để xây dựng công trình dự phòng. K9 là nơi Bác Hồ đã chọn làm căn cứ của Trung ương từ tháng 5/1957 trong một lần Người đi tham quan Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị''. Sau này Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhiều lần lên K9 làm việc, nghỉ ngơi và tiếp khách quốc tế.
Sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí chọn K9 để giữ gìn thi hài Bác khi chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, Ban Chỉ đạo đã tổ chức một đoàn cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh công binh và Tiểu đoàn 144 do đồng chí Nguyễn Văn Hanh phụ trách lên K9 để nhận bàn giao toàn bộ khu vực từ Văn phòng Trung ương Đảng và tiến hành khảo sát, cải tạo, sửa chữa.
6 lần di chuyển an toàn thi hài Bác
Trong thời gian gần 3 tháng, Ban Chỉ huy công trình và Tiểu đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, để giữ bí mật, Công trình K9 được đổi tên thành K84. Mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, Ban Chỉ đạo báo cáo và được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định ngày 23/12/1969 sẽ di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 75A lên K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Sau 4 giờ hành quân, Đoàn xe đến K84. Thi hài Bác được chuyển vào nhà kính, đặt trên chiếc giường đuya-ra đệm trắng đúng như ở "Buồng đặc biệt" tại 75A. Từ đó K84 thay thế 75A giữ gìn thi hài Bác.
Trong khi thi hài Bác đang được chăm sóc, giữ gìn tại K84 thì đêm ngày 20/11/1970, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tổ chức một cuộc tập kích bất ngờ bằng đường không vào một trại giam ở ven thị xã Sơn Tây với hy vọng cứu thoát số giặc lái Mỹ mà chúng tưởng rằng đang bị giam ở đây. Cuộc tập kích thất bại. Nhưng để bảo đảm tuyệt đối an toàn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác về 75A.

Khu di tích K9 Đá Chông
Đêm mồng 3/12/1970, Đoàn xe lặng lẽ rời K84. Đến 3 giờ sáng hôm sau, Đoàn xe đưa thi hài Bác trở về 75A tuyệt đối an toàn.
Nhưng, đến mùa thu năm 1971, miền Bắc nguy cơ xảy ra lũ lụt lớn. Trưa ngày 18/8/1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác trở lại K84.
Trước nguy cơ sụp đổ của quân ngụy, đế quốc Mỹ trắng trợn mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với mức độ tàn bạo và ác liệt. Tình hình đó cần phải tìm một vị trí bí mật, an toàn để chăm sóc, giữ gìn thi hài Bác ở bên kia sông Đà, thuộc Phú Thọ (mật danh H21).
Vào khoảng 21 giờ ngày 11/7/1972, Đoàn xe rời K84 di chuyển vào H21 lúc 0 giờ 15 phút ngày 12/7/1972. Từ bấy giờ H21 mang mật danh mới là K2.

Chiếc xe Pap và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong một lần di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 75A lên K84. Ảnh tư liệu
Trong lúc Đoàn 69 đang cố gắng phấn đấu, xác định trách nhiệm phục vụ lâu dài ở K2 thì Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu về nước, chấm dứt mọi hoạt động quân sự trên miền Bắc nước ta.
Đêm giao thừa Tết Quý Sửu (năm 1973), trong lúc mọi người đang quây quần chờ nghe Bác Tôn chúc mừng năm mới, đồng chí Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Hanh công bố quyết định của trên chuẩn bị đón Bác về lại K84.
21 giờ ngày mồng 4 Tết (8/2/1973), đoàn xe được lệnh xuất phát, vượt sông đưa Bác về lại K84. Đây là lần thứ năm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 tiến hành di chuyển thi hài Bác đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngày 2/9/1973, lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đem hết trí tuệ và tinh thần tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người.
Sau 2 năm khẩn trương liên tục, với khí thế thi đua chia lửa với miền Nam anh hùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công việc xây dựng Lăng cũng bước vào giai đoạn cuối cùng.

Sáng ngày 29/8/1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. 50 năm qua, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mở cửa để đón hàng triệu đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Cũng vào thời điểm này, Đoàn 69 nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng chuẩn bị chu đáo mọi mặt để đón Bác về Lăng.
Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, Đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh xuất phát. Đến 20 giờ cùng ngày, đoàn xe đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng. Giờ phút ấy thật trang nghiêm, xúc động.
Sáng ngày 29/8/1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình.
Đón Bác về Lăng, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thiếu tướng Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Qua 50 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tự hào rằng, với những kỹ thuật mà Việt Nam đã làm chủ, đơn vị hoàn toàn có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối an toàn trong nhiều năm nữa”.