ATK Định Hóa ghi dấu chân Người
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, An toàn khu (ATK) Định Hóa được xác định là trung tâm của 'Thủ đô kháng chiến' - nơi ra đời những quyết sách lớn, quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Với ý nghĩa đặc biệt đó, ATK Định Hóa trở thành biểu tượng sống động cho tình cảm sâu nặng giữa Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Bắc, và là minh chứng cho sự gắn bó máu thịt giữa người lãnh tụ với nhân dân.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De (xã Phú Đình, Định Hóa) thường xuyên đón các đoàn đến thăm, tưởng niệm và báo công dâng Bác.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã chọn chiến khu Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng. Trong đó, Định Hóa được xách định là trung tâm của ATK - nơi đặt cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Và địa danh đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, là “Phủ Chủ tịch” đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại ATK Định Hóa.
Ngược dòng lịch sử. 78 năm trước, vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sĩ cảnh vệ đến xã Điềm Mặc. Người nghỉ tại nhà sàn của ông Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Định Hóa. Ngày hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý.
Với địa hình cao, cây cối rậm rạp, có con đường mòn ra Quảng Nạp, đi Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Đại Từ, ra Phú Lương, lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), nên nơi đây rất thuận lợi cho các hoạt động cách mạng. Bác Hồ đã ở và làm việc tại Điềm Mặc từ ngày 20-5 đến tháng 11-1947.
Từ năm 1947 đến 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau tại ATK Định Hóa. Tại đây, Bác cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Đó là Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp (Thu - Đông 1947); quyết định chiến lược biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta những năm 1948-1949; quyết định mở các chiến dịch: Biên giới (1950), Hòa Bình (1952), Tây bắc (1953)… nhằm tiêu hao sinh lực địch, phát triển lực lượng, mở rộng vùng giải phóng và sự ủng hộ của quốc tế với cuộc kháng chiến.
Đặc biệt, ngày 6/12/1953 tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ quyết định lịch sử này, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương cũng ban hành nhiều chủ trương quan trọng để lãnh đạo đất nước như: Sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự; tổng động viên; kiện toàn Ủy ban Kháng chiến; giảm tô và cải cách ruộng đất… Bác đón tiếp nhiều vị khách quốc tế, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.
Cũng tại nơi đây, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” giúp cán bộ, đảng viên làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Di tích ngôi nhà sàn trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại ATK Định Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: T.L
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời vùng đất chiến khu để trở lại Thủ đô Hà Nội, nhưng tình cảm của Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Định Hóa. Lời dặn của Người về đoàn kết, thương yêu đồng bào, chăm chỉ lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được nhân dân Định Hóa thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Đã có hàng trăm mô hình “Làm theo lời Bác” của tập thể, cá nhân xuất hiện trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế, cải cách hành chính, xây dựng Đảng…
Từ căn cứ địa giữa núi rừng, Định Hóa hôm nay có những đổi thay mạnh mẽ với những tuyến đường giao thông được trải nhựa phẳng phiu đến từng thôn, xóm; những mái nhà sàn truyền thống bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang.
Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, cùng nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chỉnh quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Định Hóa đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được triển khai tạo sức bật mới cho ATK Định Hóa. Đó là tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang), “mảnh ghép” cuối cùng sắp hoàn thành, để thông toàn bộ tuyến đường mang tên Bác; cải tạo, mở rộng đường tỉnh 264B đoạn từ ngã ba Quán Vuông đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; cụm công nghiệp đầu tiên của huyện ở xã Tân Dương đã hình thành và có nhà đầu tư triển khai dự án sản xuất, kinh doanh…
Các địa danh Bác từng ở và làm việc như: Lán Tỉn Keo, lán Khuôn Tát, nhà sàn ở Khau Tý… được bảo tồn, giữ gìn nguyên trạng. Dự án sửa chữa, tôn tạo Nhà trưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De cũng mới hoàn thành, tạo diện mạo khang trang, trở thành điểm đến thiêng liêng trong hành trình về nguồn của hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, đặc biệt là học sinh, sinh viên, chiến sĩ trẻ.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình đặc biệt sâu nặng với ATK Định Hóa, coi nơi đây như mái nhà thân thương của cách mạng. Bà con các dân tộc Định Hóa cũng hết lòng che chở, bảo vệ Bác và các lãnh đạo Trung ương giống như người thân trong gia đình.
Tình cảm và sự gắn bó ấy đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của lòng dân với Đảng, của Đảng với nhân dân. Mỗi người dân Định Hóa vẫn luôn tự hào về những năm tháng được đón Bác, xem đó là di sản tinh thần quý giá, là động lực để tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.