Những đòn kinh tế đầu tiên ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/1 cho biết ông đang cân nhắc việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, dự kiến vào ngày 1/2 tới đây, cùng với đó là các mức thuế dành cho Liên minh châu Âu (EU) và hai nước láng giềng là Mexico, Canada.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lời đe dọa áp thuế quan đối với EU, Trung Quốc cũng như các nước láng giềng là Mexico và Canada. Theo đó, ông Trump xem xét áp 25% thuế với hai nước láng giềng, cáo buộc các quốc gia này đang tạo điều kiện cho "một lượng lớn người di cư bất hợp pháp" và fentanyl đi vào Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra thông báo về việc cân nhắc mức thuế 10% với hàng Trung Quốc.

Đây là lời đe dọa thương mại mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và là đối thủ địa chính trị lớn nhất của Washington. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng dọa áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường. Ngày 21/1, khi đưa ra tuyên bố liên quan đến thuế quan, ông Trump lập luận rằng Trung Quốc đứng sau việc cung cấp fentanyl cho các nước láng giềng của Mỹ, cho rằng đây là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng ma túy tại nước này. Thời hạn áp thuế được ông Trump đưa ra là ngày 1/2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp thuế lên Trung Quốc, EU, Mexico và Canada. Ảnh minh họa Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp thuế lên Trung Quốc, EU, Mexico và Canada. Ảnh minh họa Reuters.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 21/1 cho biết rằng lời đe dọa áp thuế đối với Canada và Mexico của ông Trump là để gây sức ép buộc hai nước này ngăn chặn người di cư và ma túy bất hợp pháp vào Mỹ. "Lý do tại sao ông ấy cân nhắc áp thuế 10%, 25% hoặc bất kỳ mức nào, đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, là vì 300 người Mỹ tử vong mỗi ngày do dùng quá liều fentanyl", ông Navarro nói.

Đáp lại đe dọa của ông Trump, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo một cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại cho cả Mỹ và Canada. Cũng theo ông Trudeau, hiện tại là thời điểm quan trọng của nước này và Ottawa sẽ đáp trả một cách "mạnh mẽ, nhanh chóng nhưng có chừng mực", tương xứng với mức thuế mà Mỹ sẽ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Trong khi đó, tại Mexico, phát biểu tại hội nghị buổi sáng thường kỳ ngày 21/1, Tổng thống Claudia Sheinbaum kêu gọi bình tĩnh và xem xét kỹ các thỏa thuận đã ký với Mỹ sau khi bị ông Trump cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt mới liên quan vấn đề di cư. Từ nhiều tháng nay, bà Sheinbaum luôn phản ứng khá bình tĩnh và thực tế, nhưng cũng không kém phần kiên quyết, trước những lời đe dọa của ông Trump.

Ủy viên phụ trách kinh tế của EU, Valdis Dombrovskis, ngày 22/1 nhấn mạnh châu Âu sẽ phản ứng tương xứng với bất kỳ mức thuế nào do Tổng thống Mỹ áp đặt để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Ông Dombrovskis cũng khẳng định, Mỹ và châu Âu là đồng minh chiến lược và điều quan trọng là hai bên phải hợp tác với nhau, cả về mặt địa chính trị và kinh tế, theo CNBC. Các quan chức châu Âu đang trao đổi với các đối tác Mỹ để tìm ra giải pháp thiết thực cho vấn đề thuế quan, ông Dombrovskis nói, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nếu mối quan hệ kinh tế giữa hai bên bị tổn hại. Ủy ban châu Âu mới đây cũng ra thông báo rằng EU rất muốn duy trì mối quan hệ kinh tế với Mỹ.

Đáng chú ý, ông Trump đã ký một bản ghi nhớ thương mại, bên cạnh rất nhiều sắc lệnh mà ông đã ký trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, yêu cầu các cơ quan liên bang hoàn tất các đợt đánh giá toàn diện về một loạt các vấn đề thương mại trước ngày 1/4. Những vấn đề này bao gồm các phân tích về thâm hụt thương mại của Mỹ, các hoạt động thương mại không công bằng và thao túng tiền tệ giữa các quốc gia đối tác, bao gồm cả Trung Quốc. Bản ghi nhớ này cũng yêu cầu đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp khắc phục, bao gồm "thuế quan bổ sung toàn cầu". Có thể thấy rằng cán cân thương mại là vấn đề mà ông Trump đặc biệt quan tâm.

Mỹ, EU và Trung Quốc là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tính đến năm 2024 là khoảng 29 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, so với 19,4 nghìn tỷ USD của EU và 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, năm 2024, EU đã xuất khẩu hơn 524 tỷ euro (566 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ, trong khi nhập khẩu khoảng 340 tỷ euro, dẫn đến thặng dư lớn. Trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đạt tổng cộng khoảng 401 tỷ USD, trong khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 131 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.

Theo Al Jazeera, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả sang Mỹ, đã tăng trong những tháng gần đây. Giữa tháng 1/2025, các quan chức thương mại Trung Quốc cho biết xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 12/2024 đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC ở Hồng Kông cho biết: "Trước khi ông Donald Trump nhập chức, đã có sự gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ, vì các nhà nhập khẩu muốn chạy trước các mức thuế có thể áp dụng đối với các mặt hàng tiêu dùng". Theo S&P Global Market Intelligence, một số loại hàng nhập khẩu của Mỹ từ nhiều nước đã ghi nhận mức tăng đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2024.

Như vậy, theo các chuyên gia, nếu mục đích của các mức thuế được đề xuất là gây tổn hại đến các đối thủ kinh tế của Mỹ, nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong quan hệ thương mại, thì các lời đe dọa của Tổng thống Trump dường như đã có tác dụng ngược lại, ít nhất là cho đến nay trong trường hợp của Trung Quốc.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhung-don-kinh-te-dau-tien-ngay-sau-khi-ong-donald-trump-nham-chuc-i757400/
Zalo