Bước ngoặt lớn cho Dải Gaza?
Hamas đã cho thấy dấu hiệu nhượng bộ trong lúc các nhà trung gian Ả Rập nỗ lực đưa ra kế hoạch hậu xung đột hợp lý cho Dải Gaza
Phát biểu trên kênh Al Arabiya, người phát ngôn Hazem Qasim của Hamas tuyên bố lực lượng này "không cần tham gia vào các thỏa thuận chính trị và hành chính trong giai đoạn tiếp theo của Gaza, đặc biệt là nếu điều đó phục vụ lợi ích của người dân".
Ông này đồng thời cho biết việc tái thiết dải đất này cũng không nhất thiết phụ thuộc vào việc Hamas có tham gia hay không.
Đây được xem là dấu hiệu nhượng bộ rõ rệt, có thể giúp giải quyết những khúc mắc lớn nhất giữa Israel và Hamas, dù một điều kiện lớn khác do Israel đưa ra không được Hamas đáp ứng - đó là giải giáp nhóm vũ trang này.
Trước đó, theo Bloomberg, các chuyên gia phía Israel lo ngại việc để Hamas tồn tại lâu dài có thể tạo ra một Hezbollah thứ hai, đủ mạnh để gây sức ép cả về mặt chính trị và quân sự lên chính quyền cho dù không chính thức nắm quyền - như phong trào Hezbollah làm ở Lebanon.
Cũng liên quan đến tương lai của Dải Gaza, hôm 17-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tái khẳng định cam kết ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tạo ra "một Gaza khác", không còn Hamas hay Chính quyền Palestine (PA).
Tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Israel Katz tuyên bố thành lập một cơ quan mới để giám sát "việc rời đi tự nguyện" của người Palestine khỏi Gaza.

Người dân Gaza trở về những ngôi nhà đổ nát khi lệnh ngừng bắn - trao đổi con tin giữa Israel - Hamas được thực hiện. Ảnh: EFE
Tuyên bố của ông Netanyahu được đưa ra một ngày sau khi kênh Sky News Arabia đưa tin Hamas đã chuẩn bị trao quyền kiểm soát Gaza cho PA, đối thủ chính trị của Hamas đang quản lý khu Bờ Tây. Các nguồn tin giấu tên từ Ai Cập tiết lộ Hamas chịu làm vậy do áp lực từ Cairo.
Giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ hết hạn vào đầu tháng 3, do vậy sự nhượng bộ của Hamas có thể là tín hiệu tốt để đạt được thỏa thuận ngừng bắn giai đoạn tiếp theo và có thể là cả một giải pháp nhằm chấm dứt sự thù địch vĩnh viễn.
Các nhà trung gian Ả Rập đang nỗ lực tìm giải pháp được chấp thuận rộng rãi dành cho Dải Gaza. Mới đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty xác nhận Cairo đang tích cực xây dựng một kế hoạch toàn diện, nhiều giai đoạn cho công cuộc phục hồi và tái thiết sớm ở Gaza.
Theo tờ Al-Ahram, Ai Cập hy vọng có thể hoàn thiện kế hoạch vào tuần tới và thực thi ngay giai đoạn đầu sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nước Ả Rập tại Cairo, dự kiến diễn ra vào ngày 27-2.
Trước đó, Ả Rập Saudi sẽ tiếp đón các quan chức từ Ai Cập, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Jordan vào ngày 20-2, như một phần của cuộc họp 5 bên của Ả Rập tại thủ đô Riyadh để thảo luận về kế hoạch mà Cairo nói đến.
Một phần trong kế hoạch của Cairo là thiết lập "khu vực an toàn" bên trong Dải Gaza, nơi người Palestine có thể sinh sống trong khi hàng chục công ty xây dựng của Ai Cập và các nước khác dỡ bỏ và phục hồi cơ sở hạ tầng bị xung đột tàn phá. Theo lời một số quan chức, quá trình tái thiết dự kiến sẽ gồm 3 giai đoạn và kéo dài 5 năm.
Để các nước khu vực tự tìm giải pháp cho Gaza hậu xung đột cũng là ý tưởng của nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ vừa thăm Israel và trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Netanyahu tại Tel Aviv.
Nhóm nhà lập pháp này đồng thời phản đối kế hoạch "tiếp quản Gaza, tái định cư 2,3 triệu người dân ở đây tới Ai Cập và Jordan" mà tổng thống Mỹ nêu ra.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh lâu năm của ông Trump và là đảng viên Cộng hòa chủ chốt tại Quốc hội Mỹ, có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh quốc gia, nói với các phóng viên rằng Thượng viện Mỹ không mấy mặn mà việc Mỹ tiếp quản Gaza dưới bất kỳ hình thức nào.
Còn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal bình luận đơn giản rằng kế hoạch của ông Trump "không khả thi".
Israel nhắm tới Iran
Tờ Guardian hôm 17-2 đưa tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố với sự hỗ trợ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính phủ của ông sẽ "hoàn thành công việc" vô hiệu hóa mối đe dọa từ Iran.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tình báo Mỹ tiết lộ Israel "có khả năng tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran trong nửa đầu năm 2025". Tuy nhiên, Israel phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ dưới hình thức tiếp liệu trên không, tình báo và trinh sát.
Các quan chức Washington cũng cho biết các cuộc tấn công như vậy nhiều nhất sẽ khiến chương trình hạt nhân của Iran bị trì hoãn vài tháng và có thể khiến Tehran quyết định hướng tới việc sản xuất uranium cấp độ vũ khí.
Tổng thống Trump trước đó cho biết ông nghiêng về phương án đạt được một thỏa thuận với Iran nhưng cũng nói rõ Mỹ sẽ xem xét hành động quân sự nếu đàm phán thất bại. Chính quyền của ông đã yêu cầu Iran từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân.
Theo các nguồn tin, Thủ tướng Netanyahu đã nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump tham gia cuộc tấn công chung vào các cơ sở hạt nhân của Iran khi nước này đang ở thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump từ chối đề nghị trên, mục đích giữ Mỹ tránh xa các cuộc xung đột ở nước ngoài. Tuy vậy, ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2018.
Kể từ đó, Iran đẩy mạnh phát triển hạt nhân và hiện số lượng uranium được làm giàu ở mức 60% ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa là chỉ còn một bước kỹ thuật nhỏ nữa là Tehran có thể sản xuất vật liệu phân hạch cấp độ vũ khí. Iran luôn khẳng định họ không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.
Phạm Nghĩa