Những con số nổi bật trong thực hiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Những năm gần đây, nhiều chỉ số thành phần trong thực hiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nam đã ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng. Nổi bật là những chỉ số liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; đào tạo lao động; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh… Qua đó cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động nhằm triển khai những nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được tỉnh chỉ đạo triển khai xuyên suốt với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

Trong 2 năm trở lại đây, Chỉ số PCI của Hà Nam liên tục có sự cải thiện về điểm số: năm 2022, đạt 64 điểm, tăng 0,72 điểm so với năm 2021; năm 2023, điểm số đạt được là 66,47 điểm (tăng 2,47 điểm so với năm 2022). Với kết quả này, Chỉ số PCI của Hà Nam đã tăng tốc mạnh mẽ về thứ hạng, vươn lên vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 10 bậc so với năm 2022) và xếp hạng trong nhóm khá của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, Hà Nam có tới 5 chỉ số được nâng hạng, gồm: Chỉ số Gia nhập thị trường, tăng 0,58 điểm và 17 bậc; Chỉ số Tiếp cận đất đai, tăng 0,61 điểm và 17 bậc; Chỉ số Tính năng động, tăng 0,04 điểm và 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 1,42 điểm và 29 bậc so với năm 2022; Chỉ số Đào tạo lao động, tăng 0,56 điểm và 7 bậc so với năm 2022.

Đại diện Sở Công thương Hà Nam tiếp thu ý kiến, kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hân Hân

Đại diện Sở Công thương Hà Nam tiếp thu ý kiến, kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hân Hân

Trong tổng số 142 chỉ tiêu cơ sở thuộc các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI, năm 2023, Hà Nam có 46 chỉ tiêu đứng ở vị trí nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước, trong đó có 2 chỉ tiêu xếp hạng thứ nhất trên tổng số 63 tỉnh, thành phố; 72/142 chỉ tiêu đứng ở nhóm giữa bảng, xếp hạng từ vị trí thứ 21 đến 50 các tỉnh, thành phố. Những con số ấn tượng này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương trong việc nhìn nhận, đánh giá chính xác kết quả cũng như nguyên nhân của những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần, nhất là những chỉ tiêu bị giảm điểm, tụt thứ hạng của năm trước. Trong đó, những con số ấn tượng nhất được ghi nhận ở Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - chỉ số do Sở Công thương làm đầu mối chủ trì thực hiện. Đây là chỉ số có sự cải thiện mạnh nhất về điểm số và thứ hạng trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023 (tăng 1,42 điểm và 29 bậc) và là mức tăng cao nhất của Hà Nam trong thực hiện các chỉ số thành phần PCI những năm gần đây.

Theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, năm 2023, tỉnh có tới 11/13 chỉ tiêu cơ sở thuộc Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sự bứt phá về điểm số, thứ hạng so với năm trước. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cơ sở có tỷ lệ số doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao, như 86% số doanh nghiệp đánh giá thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp; 86% doanh nghiệp cho rằng thủ tục để được đánh giá thuê mặt bằng tại khu, cụm công nghiệp của tỉnh; 91% doanh nghiệp cho rằng thủ tục để được miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động là dễ thực hiện… Đây đều là những chỉ tiêu nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Còn khoảng 5 tháng nữa, kết quả thực hiện Chỉ số PCI năm 2024 của các tỉnh, thành phố sẽ được công bố chính thức. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2023 cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ngành trong triển khai kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số thành phần do đơn vị mình chủ trì thực hiện, Hà Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá về thứ hạng của Chỉ số PCI năm 2024. Với mục tiêu tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng trong năm 2023; đồng thời quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp; phấn đấu cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI tỉnh Hà Nam năm 2024 cả về điểm số và thứ hạng, duy trì trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành xây dựng kế hoạch, quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đồng kỹ thuật số Korea (KCN Đồng Văn II). Ảnh: Trần Thoan

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đồng kỹ thuật số Korea (KCN Đồng Văn II). Ảnh: Trần Thoan

Thời điểm này, qua đánh giá sơ bộ, nhiều sở, ngành, đơn vị tin tưởng, năm 2024 sẽ có sự bứt phá ấn tượng hơn năm 2023 về điểm số, thứ hạng của các chỉ số thành phần PCI. Đơn cử như Thanh tra tỉnh - cơ quan được giao phối hợp thực hiện Chỉ số Chi phí thời gian đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp như ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra của đơn vị từ cuối năm trước; thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; tăng cường các kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về tố cáo hành vi nhũng nhiễu của cán bộ cơ quan nhà nước; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của cán bộ cơ quan Nhà nước…

Theo ông Nguyễn Huy Đông, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đề xuất việc thanh, kiểm tra đối với 2.354 lượt đơn vị, doanh nghiệp; trong đó, có 1.957 đơn vị, doanh nghiệp không trùng lặp, 397 lượt đơn vị, doanh nghiệp trùng lặp, chồng chéo. Sau rà soát cắt giảm theo chỉ đạo, xử lý chồng chéo... số đơn vị, doanh nghiệp thực tế được thanh, kiểm tra là 1.440 đơn vị. Với kết quả này, chắc chắn năm 2024, Hà Nam sẽ cải thiện, khắc phục được những hạn chế trong thực hiện các chỉ tiêu bị đánh giá thấp trong năm 2023 như, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký; doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trên 3 lần một năm; số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế còn cao… Từ đó, đưa Chỉ số Chi phí thời gian thăng hạng trong bảng xếp hạng PCI.

Tương tự, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2024, các chỉ số thành phần như Chi phí gia nhập thị trường, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Tiếp cận đất đai, Đào tạo lao động... cũng được kỳ vọng sẽ có sự thăng hạng cao trong năm 2024. Có niềm tin như vậy là bởi, thời gian qua, các sở, ngành đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị chủ trì thực hiện Chỉ số Tiếp cận đất đai khẳng định: Cùng với quyết tâm cao trong việc giữ vững, duy trì các chỉ tiêu tăng điểm, tăng thứ hạng, năm 2024, sở đã tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp, quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; kiểm soát, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu của công chức, viên chức trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; công khai, minh bạch thông tin về giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất. Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đăng ký tiếp nhận và giải quyết qua môi trường mạng đã đạt khoảng 99%; các lĩnh vực quản lý của sở, trong đó có lĩnh vực đất đai đều thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Bộ thủ tục hành chính hiện cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ số PCI của tỉnh thời gian qua đã khẳng định sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh. Tin rằng, năm 2024, Hà Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu, cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI cả về điểm số và thứ hạng; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/nhung-con-so-noi-bat-trong-thuc-hien-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-146621.html
Zalo