Tăng cường các kênh kết nối hàng Việt về vùng xa

Trong thời gian qua, các địa phương, sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về vùng xa như: mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); tổ chức các phiên chợ công nhân, phiên chợ hàng Việt về nông thôn…

Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm chế biến tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Quân

Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm chế biến tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Quân

Đây là những hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) chuyên đề hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, góp phần mở rộng các kênh bán hàng, quảng bá hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các điểm bán hàng Việt

Theo Trung tâm XTTM Đồng Nai (Sở Công thương), trong năm 2024, trung tâm đã phối hợp với các địa phương khai trương thêm 3 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các xã: Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) và thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Tính đến nay, toàn tỉnh có 37 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 3 điểm giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP trong năm 2024 gồm: Cơ sở Thành Nhân (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), Cơ sở Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu Hạ Vy (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) và hộ kinh doanh Vườn hoa Bốn Mùa (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Hiện tỉnh có 7 điểm giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP.

Các điểm giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP này được triển khai theo đúng quy chuẩn hướng dẫn của Bộ Công thương. Hàng hóa được bày bán tại điểm bán hàng là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu trong tỉnh nhằm mục đích đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm XTTM Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ, thông qua những điểm bán hàng Việt, các điểm bán sản phẩm OCOP đã góp phần tạo ra hiệu ứng xã hội tốt đẹp, gắn với thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận hàng Việt, sản phẩm OCOP của địa phương.

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng Việt nói chung và các sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng. Trong thời gian tới, Trung tâm XTTM Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm hàng Việt, hàng hóa địa phương cho các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn…

Mới đây nhất, vào dịp trước Tết Nguyên đán 2025, các đơn vị liên quan đã tổ chức gian hàng chung của tỉnh để quảng bá các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai trong hoạt động Chợ Tết Công đoàn năm 2025 tại công viên Amata (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa).

Triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại

Bên cạnh việc triển khai, mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng Việt, sản phẩm OCOP, những năm qua, tỉnh tăng cường các hoạt động XTTM chuyên đề hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thuộc chương trình XTTM hàng năm của tỉnh. Nổi bật là các phiên chợ công nhân, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng Việt về các nhà máy, nông trường, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm XTTM Đồng Nai, trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức 3 phiên chợ công nhân với sự tham gia của 88 lượt doanh nghiệp, thu hút 16,5 ngàn khách tham quan, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các địa phương tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, thu hút 18,4 ngàn lượt khách tham quan…

Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 16 chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp tại thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom với 104 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt hơn 1,6 tỷ đồng. Các chuyến hàng Việt này thu hút hơn 16 ngàn lượt công nhân lao động tham quan, mua sắm.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, hoạt động XTTM gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ công nhân, chuyến hàng Việt phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp; mở rộng các kênh kết nối giao thương liên kết vùng, miền; kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh... đã góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp trong tỉnh đến với người lao động nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp gỡ các đối tác kinh doanh tiềm năng. Từ đó, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường nội địa, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng…

“Mục tiêu, nội dung chương trình không ngừng được đổi mới, lồng ghép, phân khúc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đối tượng, giai đoạn cụ thể đã mang lại hiệu ứng và kết quả tích cực” - ông Thái Thanh Phong nhấn mạnh.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/tang-cuong-cac-kenh-ket-noi-hang-viet-ve-vung-xa-71a5342/
Zalo