Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội
Liên tục phủ nhận thành tựu phát triển của Việt Nam để từ đó công kích Đảng và Nhà nước ta là thủ đoạn thâm độc và không mới của các thế lực thù địch. Thủ đoạn này được tiến hành thường xuyên, nhất là các đợt tổng kết hàng năm, hàng quý, hoặc khi nước ta đạt được những thành tựu nhất định.
Chẳng hạn như mới đây, vào đầu tháng 2-2025, trang t. - một trang chuyên đăng tải những nội dung chống phá cách mạng Việt Nam, có hơn nửa triệu người theo dõi trên mạng xã hội Facebook - đăng video clip có dòng trạng thái “Bánh vẽ “kỷ nguyên mới” hết tác dụng trước thực trạng và tương lai mù mịt”. Trong video clip có khoảng 60 ngàn lượt xem này, các thế lực thù địch cho rằng “chưa thấy gì để hy vọng” vì “không có gì thay đổi, vẫn là bất kể những khó khăn, bế tắc về kinh tế - xã hội (KT-XH) mà ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận…”.
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương khi thông tin chuyên đề Tổng quan tình hình KT-XH năm 2024; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 tại Hội nghị Báo cáo viên trung ương tháng 1-2025 diễn ra vào ngày 16-1 cho biết: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, rõ trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm 2024; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động, doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), văn hóa, an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống người dân… đạt kết quả nổi bật.
Nhận định trên không phải chủ quan, mà thể hiện qua những con số cụ thể, khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào; do đó, mang tính thuyết phục cao. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam khẳng định sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu 6-6,5%, là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm một số nước tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Quy mô GDP đạt khoảng 476,3 tỷ USD, dự báo đứng thứ 33 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tiến sát vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; tốc độ tăng CPI bình quân cả năm là 3,63%, trong khi đã thực hiện tăng lương, tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Thu ngân sách nhà nước tăng 19,8% so với dự toán. Bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài đều dưới ngưỡng cảnh báo của Quốc hội.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin, tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thu hút vốn FDI cả năm đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện ước khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự ổn định, phát triển của Việt Nam, là miền đất lành, thỏi nam châm hút các nhà đầu tư khắp năm châu đến hợp tác, làm ăn, cùng phát triển.
Thử hỏi, nếu Việt Nam không phát triển ổn định các mặt, “khó khăn và bế tắc” như những thông tin mà các thế lực thù địch đơm đặt, liệu có nhà đầu tư nào liên tục đổ vốn khủng để sản xuất, kinh doanh tại nước ta?
Chính sự phát triển về mọi mặt nên giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng một bậc so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm tăng 15,4%, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới…
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, trong công tác tuyên truyền về KT-XH năm 2024, cần làm rõ bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới của năm 2024… để thấy được những con số rất ấn tượng, là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị…
Theo đó, chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 trong bối cảnh, điều kiện rất khó khăn, thách thức, nhiều rủi ro, nhiều biến động khó dự báo hoặc không thể dự báo từ cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Xu hướng tập hợp lực lượng, đối đầu về công nghệ, tài nguyên, thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu gia tăng; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự tại Trung Đông, Dải Gaza, Biển Đỏ… làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thương mại, đầu tư trên toàn cầu. Từ đó, hình thành trật tự, cấu trúc kinh tế mới, cục diện thế giới “đa cực, đa trung tâm”, lợi ích đan xen, bất ổn, cạnh tranh, đối đầu và xung đột nhiều hơn. Bên cạnh đó là tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề về an ninh năng lượng, lương thực, phi truyền thống…
Các nội dung xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình KT-XH ở Việt Nam đều chung chung, mơ hồ vì không có căn cứ, không có số liệu thuyết phục. Trong khi đó, thành tựu phát triển của Việt Nam đều được đánh giá khách quan, thể hiện minh bạch, rõ ràng qua những chỉ số do những cơ quan, đơn vị có uy tín trong nước lẫn quốc tế nghiên cứu, đo lường, công bố.
Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế với tinh thần trách nhiệm để đề ra giải pháp tháo gỡ
Không chỉ nhìn nhận về những kết quả đã đạt được rất đáng tự hào, đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn, mà các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp luôn nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế, thách thức gặp phải. Đó là những vấn đề: phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước… tại các thành phố lớn chậm được giải quyết. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sạt lở, ngập lụt… biến động khó lường, gây hậu quả nặng nề. Tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, công tác bảo đảm an ninh trật tự ở một số địa bàn diễn biến phức tạp… Việc nhận diện các khó khăn, tồn tại, thách thức trên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện với một tinh thần đầy trách nhiệm, “nhìn thẳng vào sự thật” để đề ra những giải pháp chiến lược phù hợp, hiệu quả cho giai đoạn trước mắt và lâu dài, từ đó tháo gỡ những khó khăn, đưa nước ta ngày càng phát triển.
Phải nói rằng, việc gặp phải những tồn tại, khó khăn, thách thức trong quá trình vận hành xã hội cũng như tiến trình phát triển là việc mang tính quy luật khách quan của bất kỳ một đất nước, một thể chế nào, không riêng gì Việt Nam. Điều quan trọng là cách tiếp cận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế đó được thực hiện một cách khoa học, cầu thị, trách nhiệm và góp ý với tinh thần xây dựng, từ đó vạch ra được những giải pháp hiệu quả, khả thi và phù hợp để hướng đến sự phát triển chung của đất nước. Cách tiếp cận vấn đề này khác hoàn toàn về bản chất so với cách tiếp cận đậm tính cực đoan, phiến diện mà các thế lực thù địch tiến hành. Các thế lực thù địch luôn vin những vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển KT-XH của Việt Nam để khoét sâu, tô đậm, kích động sự cách biệt giữa người dân với Đảng, Nhà nước.
Do đó, mỗi người dân càng nên củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, không nên nghe, tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, đất nước trong năm 2025, hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.