Khơi thông dòng chảy đưa hàng Việt về nông thôn
Thực hiện cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', thời gian qua, Chương trình 'Ðưa hàng Việt về nông thôn' ở Hà Nội và các địa phương trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa nhiều loại sản phẩm có chất lượng tốt đến với đông đảo người dân, những phiên chợ hàng Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Ðồng bào Sán Dìu (xã Tam Quan, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc) mua hàng tại cửa hàng tiện lợi. (Ảnh THẾ HÙNG)
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm, Sở chủ trì, phối hợp các huyện, thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Các đơn vị đã bày bán sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, bao gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…
Cùng với việc bảo đảm nguồn cung, thành phố đã bố trí hàng hóa tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm.
Sở Công thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ðể hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chính quyền các huyện tạo điều kiện về mặt bằng, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức bán hàng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng phối hợp với các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định... Thông qua chương trình, doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn có cơ hội giao lưu trực tiếp, góp phần nâng cao nhận thức ưu tiên dùng hàng Việt.
Anh Bùi Văn Tiến (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, ở vùng ngoại thành không tổ chức nhiều sự kiện, cho nên các hội chợ, phiên chợ phục vụ Tết không chỉ là dịp để người dân tham quan, mua sắm hàng hóa mà còn là dịp để vui chơi, giải trí. “Hàng hóa ở các hội chợ đa dạng, tuy giá một vài mặt hàng cao hơn ngoài chợ một chút, nhưng chúng tôi yên tâm về nguồn gốc, chất lượng”, anh Tiến cho biết.
Nếu trước đây, người dân khu vực nông thôn thường chọn mua những mặt hàng gia công, không ghi hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nhà sản xuất, thì nay, người tiêu dùng đã dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm trong nước có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Nga (công nhân Khu công nghiệp Ðông Anh, Hà Nội) cho biết: “Do đặc thù công việc của công nhân làm việc theo ca kíp, không có điều kiện đi xa mua sắm, từ khi có chương trình “Ðưa hàng Việt về nông thôn”, công nhân ở đây rất vui. Nhờ chương trình chúng tôi có thể mua sắm hàng Việt chất lượng tốt, phù hợp túi tiền”.
Anh Nguyễn Danh Lân (chủ một cơ sở sản xuất miến tại Dương Liễu, huyện Hoài Ðức) cho biết: “Chương trình “Ðưa hàng Việt về nông thôn” là một kênh quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Thông qua tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, chúng tôi hiểu được mong muốn, nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn.
Qua đó lựa chọn đưa những sản phẩm, hàng hóa phù hợp về cung ứng góp phần tăng doanh thu. Bên cạnh đó, việc được gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng cũng giúp chúng tôi giới thiệu, tư vấn, bán những sản phẩm mới hiệu quả”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện cuộc vận động thông qua chương trình “Ðưa hàng Việt về nông thôn”, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng.
Qua đó, thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
Tuy đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo phản ánh, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay vẫn ít về số lượng. Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức phiên chợ hàng Việt phần lớn đều diễn ra trong một thời gian ngắn, không có lịch trình cố định.
Ðồng thời, hàng hóa chưa có sự phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa ổn định, cho nên chưa thu hút được nhiều người mua. Một hiện tượng cũng không hiếm gặp tại các chợ địa phương là vẫn xuất hiện các đại lý bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái.
Ðể nâng cao hiệu quả của chương trình “Ðưa hàng Việt về nông thôn”, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao với giá cả hợp lý là yếu tố then chốt. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương mở rộng quy mô chương trình.
Doanh nghiệp cần nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó chủ động đưa sản phẩm tới người tiêu dùng nông thôn, với đa dạng chủng loại, nâng cao chất lượng và giá cả hấp dẫn người tiêu dùng. Sau mỗi phiên chợ “Ðưa hàng Việt về nông thôn”, các doanh nghiệp cần duy trì kết nối thông tin, chủ động phát triển hệ thống đại lý, điểm bán hàng cố định tại khu vực nông thôn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước chiếm lĩnh thị phần thị trường nông thôn.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, các làng nghề trong việc cải thiện chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gắn trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra, từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường trong nước, khu vực và thế giới...