Bắc Sơn: Phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bắc Sơn đã thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác một số nội dung công việc của quá trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Người dân xã Chiến Thắng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển mô hình trồng cây ăn quả

Người dân xã Chiến Thắng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển mô hình trồng cây ăn quả

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Sơn là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác nhận ủy thác cho hội viên vay vốn của NHCSXH. Những năm qua, hội đã hỗ trợ, đồng hành để hội viên sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, Hội LHPN huyện đang quản lý 83 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), dư nợ đạt trên 209 tỷ đồng, với 3.106 lượt hộ vay vốn (là tổ chức nhận ủy thác có dư nợ lớn nhất trong 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác của huyện). Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong năm 2024, hội phụ nữ đã giúp đỡ 391 hội viên phụ nữ thoát nghèo

Bà Lương Thị Thủy, Chủ tịch LHPN huyện cho biết: Để triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đến hội viên. Bên cạnh đó, phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương gắn vốn vay với các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, giúp các hội viên từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Không chỉ Hội LHPN huyện, những năm qua, 3 tổ chức CT-XH khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn (Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) đều thực hiện tốt nội dung ủy thác góp phần cùng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức CT-XH của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt trên 573 tỷ đồng, chiếm 99,2% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện, tăng 64,4 tỷ đồng so với năm 2023.

Ông Phạm Văn Thuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện cho biết: Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện đang quản lý 50 tổ TK&VV với tổng dư nợ trên 112 tỷ đồng, cho trên 1.700 lượt hộ vay vốn. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, chúng tôi phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên nắm bắt tình hình sử dụng vốn của hộ vay và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đầu tư vốn kịp thời, đúng mục đích. Nhờ có nguồn vốn, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đến nay, toàn hội có trên 100 mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Thông qua phương thức cho vay ủy thác đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, đặc biệt là các hộ ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình như: chăn nuôi (trâu, lợn, gà); trồng trọt (quýt, bưởi, trồng rừng); sản xuất kinh doanh… từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Điển hình như gia đình anh Dương Công Anh, thôn Hồng Vi, xã Chiến Thắng. Anh Dương Công Anh chia sẻ: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi khó khăn, thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2016, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để trồng hơn 100 cây bưởi Diễn và chăn nuôi lợn. Trong quá trình sử dụng vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Nhờ đó, tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Để đảm bảo nguồn vốn vay thông qua hoạt động ủy thác phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn đã hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ các tổ chức CT-XH, ban quản lý tổ TK&VV trong hoạt động ủy thác. Hằng năm, đơn vị đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng là tổ trưởng tổ TK&VV; chủ tịch hội, đoàn thể các cấp.

Bên cạnh đó, hằng năm, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Cùng đó, phối hợp với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV; kiểm tra, giám sát các hộ vay, tổ TK&VV. Chỉ tính riêng năm 2024, các tổ chức CT-XH cấp huyện kiểm tra 72 tổ chức hội cấp xã có dư nợ ủy thác, 143 tổ TK&VV, 690 hộ vay; tổ chức CT-XH cấp xã kiểm tra 238 tổ, với 6.729 lượt hộ vay. Ngoài ra, các tổ chức CT-XH thường xuyên kiểm tra trong vòng 30 ngày sau giải ngân theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức CT-XH, hoạt động cho vay của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức CT-XH đã tập trung tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát và sử dụng vốn vay, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi. Nhờ đó, nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện.

Nhờ thực hiện hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức CT-XH, nguồn vốn được chuyển tải đến người dân kịp thời, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện hiệu quả hơn. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện chỉ chiếm 0,03%; tỷ lệ xã không có nợ quá hạn chiếm 66,7%; tỷ lệ tổ TK&VV không có nợ quá hạn chiếm 97,5%.

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bac-son-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-phat-huy-vai-tro-thuc-hien-tin-dung-chinh-sach-5036003.html
Zalo