Những cái 'được' và 'khó' của cán bộ khi sáp nhập tỉnh Đồng Tháp với Tiền Giang

Khi sáp nhập Đồng Tháp với Tiền Giang sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức danh đúng quy định. Song, cũng tác động, ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ...

Theo dự thảo đề án sáp nhập tỉnh Đồng Tháp với Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp trong tương lai sẽ có một thực thể kinh tế với quy mô lớn hơn cả về dân số, diện tích và nguồn lực phát triển.

Điều này giúp thu hút đầu tư tốt hơn nhờ thị trường tiêu dùng mở rộng, quy hoạch phát triển nhất quán hơn và tạo điều kiện liên kết vùng hiệu quả. Không gian này kết nối cả vùng Đồng Tháp Mười với cửa ngõ ven biển phía Đông (Gò Công, biển Tân Thành), tăng tính kết nối nông thôn - đô thị – biển.

4 lý do chọn tên tỉnh Đồng Tháp

Theo đề án, có 4 lý do để chọn tên tỉnh Đồng Tháp.

Thứ nhất, tên gọi Đồng Tháp gắn với đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười - một vùng đất trũng rộng lớn, nổi tiếng với hệ sinh thái ngập nước đặc sắc, trải dài trên nhiều tỉnh Miền Tây không chỉ thuộc Đồng Tháp mà còn trải rộng đến một phần Tiền Giang, tạo sự gắn kết tự nhiên giữa hai địa phương. Việc lựa chọn tên Đồng Tháp vừa thể hiện bản sắc chung, vừa thể hiện sự giao thoa, kết nối của 2 tỉnh sau hợp nhất.

Thứ hai, gắn bó với lịch sử và văn hóa của vùng căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, có truyền thống anh hùng, gắn với những nhân vật lịch sử như Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Thứ ba, Đồng Tháp Mười là vùng đất có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng, là căn cứ kháng chiến quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Thứ tư, tên gọi “Đồng Tháp” còn gợi nhớ đến những con người kiên cường, văn hóa đặc trưng của vùng đất sông nước, giàu truyền thống yêu nước và nhân văn; bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ,…

Trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp mới sẽ đặt tại TP Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang hiện nay. Ảnh: M.T

Trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp mới sẽ đặt tại TP Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang hiện nay. Ảnh: M.T

Đề án cũng nhấn mạnh, việc chọn tên tỉnh mới là Đồng Tháp (một trong hai tên sẵn có trước hợp nhất) giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau sáp nhập.

Qua đó, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời bảo đảm nguyên tắc dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh mới với thương hiệu nhận diện là Đồng Tháp, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đối với việc trung tâm hành chính được đặt tại TP Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang hiện tại, đề án đưa ra 3 lý do gồm: Kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống; vị trí địa lý thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng; thúc đẩy phát triển kinh tế; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.

Lựa chọn được những cán bộ có năng lực, trình độ

Việc sáp nhập Đồng Tháp và Tiền Giang cũng được kỳ vọng duy trì và giữ vững ưu thế của 2 tỉnh về quy mô kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới với nội lực của 2 tỉnh tổng hợp lại.

Đồng thời việc hợp nhất 2 tỉnh góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mở rộng không gian phát triển, tạo cơ hội để kiến tạo những không gian phát triển mới, đặc biệt là hướng biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy để có tương hỗ trong phát triển, gắn kết với địa phương.

Đề án cũng nêu, trong quá trình sắp xếp bộ máy, cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức danh đảm bảo đúng theo quy định, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sau sắp xếp, tỉnh mới có quy mô lớn hơn cả về dân số, diện tích và nguồn lực phát triển, giúp thu hút đầu tư và liên kết vùng hiệu quả hơn.

Đề án cũng cho thấy, Tiền Giang có kim ngạch xuất khẩu cao tại vùng ĐBSCL với thế mạnh về công nghiệp chế tạo, chế biến, thủy sản, dệt may, da giày, trái cây. Đồng Tháp là “vương quốc nông sản”, với vùng nguyên liệu rộng lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái.

Sự kết hợp này sẽ tạo chuỗi giá trị liên hoàn giữa vùng nguyên liệu và vùng chế biến, giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ - gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, vị trí địa lý mới sau sắp xếp sẽ giúp kết nối tốt hơn với các trục giao thông huyết mạch. Giao thương giữa vùng Đồng Tháp Mười và vùng biển Gò Công, kết nối TPHCM sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời tiềm năng phát triển đô thị - dịch vụ vùng ven biển Gò Công và hành lang sông Tiền được khai thác mạnh mẽ.

Ảnh hưởng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức

Tuy nhiên, việc sáp nhập 2 tỉnh này lại cũng có những mặt hạn chế như hoạt động quản lý nhà nước sẽ có một số khó khăn ban đầu do diện tích lớn, dân số đông, thay đổi về mô hình tổ chức chính quyền, khoảng cách địa lý giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Việc chuyển đổi, cập nhật biến động trên các loại giấy tờ của người dân cần có thời gian để xử lý, giải quyết.

Việc sắp xếp đơn vị cấp tỉnh bước đầu có dôi dư đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, cần có lộ trình và phương án bố trí, sắp xếp thích hợp. Việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức tác động, ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức ở những đơn vị hành chính sắp xếp.

Sau khi sáp nhập tình trạng dư thừa một số trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và phương án quản lý, sử dụng cũng gặp không ít khó khăn.

Một số doanh nghiệp và người dân có thể lo ngại việc thay đổi địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, nhất là về thuế, đất đai, vay vốn kinh doanh.

Việc thay đổi trụ sở cơ quan hành chính bước đầu sẽ gây khó khăn cho người dân, tổ chức đi lại làm thủ tục, hồ sơ thay đổi một số giấy tờ tùy thân, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... mất thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

Hoài Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-cai-duoc-va-kho-cua-can-bo-khi-sap-nhap-tinh-dong-thap-voi-tien-giang-2394333.html
Zalo