Nợ công năm 2024 gần 4,3 triệu tỉ đồng

Nợ công năm 2024 ước đạt 4,26 triệu tỉ đồng, chiếm 34,7% GDP và vẫn trong ngưỡng an toàn theo quy định của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo của Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo của Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Media Quốc hội

Sáng nay (24-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024, TTXVN đưa tin.

Trình bày tóm tắt báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu các kết quả nổi bật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực như ngân sách, tài sản công, đầu tư công, tài nguyên, bộ máy hành chính, doanh nghiệp nhà nước và thanh tra, kiểm tra.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2024, nợ công của Việt Nam ước đạt khoảng 4,26 triệu tỉ đồng, tương đương 34,7% GDP. Con số này được đánh giá là nằm trong giới hạn an toàn và thấp hơn đáng kể so với mức trần 60% GDP do Quốc hội quy định.

Trong cơ cấu nợ, nợ Chính phủ chiếm 32,2% GDP còn nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 31,8%. Một điểm tích cực là có đến 76% nợ Chính phủ được huy động từ nguồn trong nước, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu. Việc giảm dần phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài giúp hạn chế rủi ro tỷ giá và tăng tính tự chủ tài chính quốc gia.

Năm 2024 cũng ghi nhận kết quả tích cực trong điều hành ngân sách. Tổng thu ngân sách đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, vượt khoảng 20% so với dự toán được giao.

Trong khi đó, chi ngân sách chỉ khoảng 1,83 triệu tỉ đồng, tương đương 86,4% dự toán. Chính phủ đã chủ động giảm bớt các khoản chi thường xuyên, hạn chế những khoản chưa thực sự cấp thiết.

Một phần quan trọng trong chính sách tài khóa năm qua là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất.

Tổng số tiền thực hiện các biện pháp này ước đạt gần 200.000 tỉ đồng, với khoảng một nửa là phần miễn, giảm hoàn toàn, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định rõ ràng rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được triển khai hiệu quả hơn.

Trong năm 2024, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo tổng số tiền tiết kiệm được từ việc thực hiện các biện pháp chống lãng phí là hơn 64.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất cập khi có tới 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Việc chậm trễ trong giải ngân làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình, dự án lớn.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 với 10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp đồng bộ.

Trong đó, từng đơn vị phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công khai minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Chính phủ cũng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các dự án chậm giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình trì hoãn hoặc gây lãng phí nguồn lực.

Thẩm tra báo cáo, ông Lê Quang Mạnh cho rằng dự báo thu ngân sách năm 2024 để lập dự toán 2025 còn thiếu chính xác, dẫn đến chênh lệch lớn giữa các báo cáo.

Ông cũng chỉ ra tình trạng nợ đọng thuế gia tăng, giải ngân đầu tư công vẫn chậm, chi chuyển nguồn còn lớn, gây lãng phí, đề nghị siết chặt kỷ luật tài chính và kiểm soát bội chi.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, dự báo nợ công ở mức 36-37% GDP.

Để đạt được mục tiêu, Chính phủ sẽ siết chặt quản lý vay, trả nợ, sử dụng hiệu quả nguồn lực công và gắn phát hành trái phiếu với nhu cầu đầu tư, trả nợ. Chi ngân sách sẽ được rà soát, ưu tiên cho đầu tư công, an sinh và các lĩnh vực trọng yếu.

Dự kiến, báo cáo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được Quốc hội xem xét ở kỳ họp vào tháng 5.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/no-cong-nam-2024-gan-43-trieu-ti-dong/
Zalo