Hậu sáp nhập, các địa phương chuẩn bị 'hậu cần' đón cán bộ

Các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Đắk Lắk đang lên phương án chuẩn bị 'nơi ăn, chốn ở', bố trí phương tiện di chuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương chuyển về công tác sau khi sáp nhập tỉnh...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh này đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện Dự án Xây dựng Nhà khách tỉnh Ninh Bình.

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Ninh Bình, Dự án xây dựng Nhà khách tỉnh Ninh Bình được xây dựng tại phường Đông Thành, thành phố Hoa Lư với tổng diện tích gần 12.000 m2, có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Dự án do ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành vào năm 2026.

Theo quyết định, nhà khách được xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn 3 sao, gồm nhà khách 8 tầng, nhà hội nghị, nhà cán bộ luân chuyển (gồm 2 nhà A và B) với tổng 46 buồng ngủ.

Thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình

Thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình

Về công năng, công trình phải đáp ứng các yêu cầu về nhà công vụ cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý luân chuyển về tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luân chuyển từ huyện, thành phố về tỉnh.

Ngoài ra, nhà khách là nơi tiếp đón các đoàn khách Trung ương, trong nước và quốc tế, phục vụ các hội nghị, hội thảo và các sự kiện chính trị của tỉnh.

Được biết, trong tóm tắt đề án hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định thành tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đưa ra phương án về việc hỗ trợ phương tiện đi lại, chi phí lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Phương án này cũng bao gồm việc bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh cũ đến trung tâm hành chính mới.

Tại tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát cơ sở vật chất nhằm chuẩn bị "nơi ăn, chốn ở" cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Trị sẽ chuyển ra công tác sau khi sáp nhập.

Hiện nay, Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình đã khảo sát và đánh giá hiện trạng nhiều trụ sở công lập trên địa bàn đang sử dụng chưa hiệu quả hoặc bị bỏ trống. Một số địa điểm bước đầu được xem xét gồm: Trường Trung cấp Kinh tế, trụ sở cũ của Sở Ngoại vụ và một số trụ sở khác hiện không còn sử dụng.

Các công trình này đang được nghiên cứu chuyển đổi công năng thành nhà công vụ, nhằm bảo đảm điều kiện sinh hoạt cơ bản cho cán bộ từ tỉnh Quảng Trị ra công tác. Những cơ sở có kết cấu chưa phù hợp hoặc đã xuống cấp sẽ được cải tạo, sửa chữa để phục vụ tốt hơn nhu cầu lưu trú.

Thành phố Đồng Hới nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị

Thành phố Đồng Hới nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị

Tỉnh Quảng Bình xác định, việc đón tiếp chu đáo cán bộ tỉnh Quảng Trị cần bắt đầu từ việc chuẩn bị tốt "nơi ăn, chốn ở", đồng thời yêu cầu quán triệt tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử phù hợp từ phía cán bộ địa phương để bảo đảm sự phối hợp hài hòa, hiệu quả sau sáp nhập.

Sở Tài Chính Quảng Bình cũng cho hay, các đề xuất và hình ảnh khảo sát đang được tổng hợp để báo cáo lãnh đạo tỉnh xem xét. Thời gian tới, các phương án cụ thể về phân bổ và cải tạo trụ sở sẽ được trình phê duyệt, nhằm bảo đảm tiến độ chuẩn bị hạ tầng phục vụ đơn vị hành chính mới sau khi việc sáp nhập Quảng Bình - Quảng Trị chính thức được triển khai.

Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh này vừa có dự thảo về việc rà soát hạ tầng giao thông, dự kiến bố trí phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo dự thảo, nếu tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sáp nhập, dự kiến có khoảng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu di chuyển thường xuyên từ thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và ngược lại.

Trong đó, đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khoảng 120 người. Đối với lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương cấp Sở sẽ vận dụng quy định bố trí xe công vụ đưa đón riêng để chủ động thời gian đi lại, không theo khung giờ cụ thể, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác. Cán bộ, công chức, viên chức còn lại bố trí phương tiện di chuyển chung, thuê xe đưa đón theo khung giờ nhất định.

Thành phố Buôn Ma Thuột nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk

Thành phố Buôn Ma Thuột nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị khi sáp nhập tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk

Lịch trình di chuyển dự kiến xuất phát tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) lúc 4h thứ hai hàng tuần (trong quá trình di chuyển có thể đón thêm một số địa điểm, đảm bảo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức) và xuất phát về lúc 17h30 thứ sáu hàng tuần tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng.

Phương án sắp xếp đối với 120 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sẽ sử dụng xe công vụ thuộc cơ quan, đơn vị quản lý đưa đón cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh được sử dụng xe công vụ theo quy định.

Đối với 880 công chức còn lại (dự kiến chỉ có 70% người di chuyển tập trung) sẽ thuê phương tiện vận chuyển tập trung theo lịch trình cụ thể nêu trên. Còn lại sẽ tự túc di chuyển, không có nhu cầu đi lại thường xuyên.

Dự toán tổng kinh phí (không tính chi phí xe công vụ phục vụ), khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Bình quân chi phí di chuyển của một cán bộ, công chức, viên chức vào khoảng 200.000 đồng/lượt.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hau-sap-nhap-cac-dia-phuong-chuan-bi-hau-can-don-can-bo.htm
Zalo