TPBank nói về khoản nợ của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Mỹ

TPBank có khoảng 10.800 tỷ đồng dư nợ là các khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến thị trường Mỹ và ngân hàng đang rà soát cẩn trọng các khoản tín dụng mới liên quan.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TPBank.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TPBank.

Sáng 24/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú và ban lãnh đạo đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến đến kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng và chiến lược hoạt động của ngân hàng.

Chia sẻ về câu hỏi của cổ đông liên quan đến ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh thương mại tới khách hàng của TPBank, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, TPBank có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu cũng chiếm dưới 20% tổng doanh thu nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.

"Chúng tôi đã rà soát cẩn trọng với các khoản tín dụng mới với các trường hợp xuất khẩu các mặt hàng sang Mỹ," TPBank khẳng định.

Với các doanh nghiệp FDI, lãnh đạo TPBank cho biết, ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ và không cho vay nên không chịu ảnh hưởng từ các biến động thuế quan toàn cầu.

Sẵn sàng giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ về hạn mức cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh biến động, theo lãnh đạo NHNN, đầu năm nay, TPBank được cấp hạn mức là 15,85%, cao hơn mức định hướng của toàn ngành, chưa kể có thể có điều chỉnh ở những đợt sau.

"Năm nay sẽ không có lo lắng gì về hạn mức tăng tín dụng. Tính đến đến quý 1/2024, TPBank đã tăng trưởng 3,75%, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Đến thời điểm gần nhất trước đại hội, mức tăng trưởng đã đạt là 4,5%," ông Nguyễn Hưng thông tin và khẳng định, tăng rưởng tín dụng của ngân hàng luôn đi theo đúng định hướng (lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng của người dân,...), tăng tín dụng đi đôi với kiểm soát tín dụng.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Đỗ Minh Phú bày tỏ quan điểm "nước đến đâu bắc cầu đến đấy", TPBank luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó. Trước hết, nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng sẽ nâng cao khả năng kiểm soát nợ xấu.

"Nếu khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thuế quan, TPBank sẵn sàng chia sẻ, sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng. Năm nay, dù kế hoạch kinh doanh không đạt 9.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tin rằng cổ đông cũng đồng thuận và thấu hiểu điều đó," Chủ tịch TPBank nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có kịch bản giảm bớt chi phí không cần thiết, xác định những dự án đầu tư trong tương lai thì sẽ không tiến hành luôn để đảm bảo nguồn vốn bệ đỡ cho ngân hàng.

TPBank đã kín room ngoại

Về chiến lược gì để duy trì biên lợi nhuận NIM, tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm như hiện nay, ông Hưng chia sẻ thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động. NHNN cũng đang giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.

Hiện nay, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà,... TPBank cũng đang tham gia gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, và định hướng tham gia thêm các gói cho vay nông nghiệp, cho vay hạ tầng. Trong gói 500.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ chỉ đạo để hỗ trợ về khoa học công nghệ, về hạ tầng, TPBank dự kiến tham gia 20.000 tỷ đồng.

Để duy trì hoặc tăng NIM, lãnh đạo TPBank cho biết sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và có cơ cấu vốn hợp lý.

Liên quan đến đề xuất có kế hoạch mời cổ đông chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho biết, hiện ngân hàng này đang kín "room" tín dụng nước ngoài.

"Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài, tôi tin TPBank là ngân hàng có sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại và ngân hàng cũng sẽ có kế hoạch thu hút cổ đông chiến lược", ông Đỗ Minh Phú cho biết.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tpbank-noi-ve-khoan-no-cua-cac-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-voi-my-40782.html
Zalo