'Nhìn lại 2 năm thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới' (Bài 10): Thực hiện tiêu chí mới với yêu cầu mới
Ngày 8-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Với những chỉ tiêu được nâng cao, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân. Tuy nhiên, những tiêu chí mới với những yêu cầu mới đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương.
Một góc xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).
Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ bản giữ nguyên nhưng có bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu theo hướng nâng cao về chất và lượng. Mục tiêu, yêu cầu của chương trình không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc nông thôn, văn hóa truyền thống, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cộng đồng, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc. Theo đó, Bộ tiêu chí về xã NTM gồm 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, bổ sung 10 chỉ tiêu mới, mức độ đạt chuẩn của một số chỉ tiêu, tiêu chí được quy định tăng lên so với giai đoạn 2016-2020. Đối với Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 gồm 19 tiêu chí với 75 chỉ tiêu, tăng 2 tiêu chí, 39 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020; bổ sung và nâng cao chất lượng các tiêu chí về tổ chức sản xuất, chất lượng môi trường sống...
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi bộ tiêu chí mới được áp dụng, nhiều chỉ tiêu và tiêu chí nâng cao hơn so với trước đã đặt ra không ít những thách thức với nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi. Với huyện Cẩm Thủy, thực hiện xây dựng NTM trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, vì vậy, huyện đã thận trọng lựa chọn từng bước đi phù hợp với tình hình của địa phương. Và thực tiễn đã chứng minh, phong trào xây dựng NTM bước đầu đã thu được những kết quả đáng mừng với 9/16 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy: Bộ tiêu chí mới được nâng cao hơn giai đoạn trước cả về số lượng và chất lượng nên một số xã có xu hướng giảm các tiêu chí như: Nghèo đa chiều, y tế, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường... Đồng thời, đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, việc sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế... Bên cạnh đó, tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đang là tiêu chí khó và là rào cản đối với quá trình xây dựng NTM của địa phương. Đơn cử như xã Cẩm Tú, là địa phương phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nên đời sống của người dân còn khó khăn. Hiện nay, hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM đều chưa đạt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội thấp, tiêu chí tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn khó hoàn thành.
Trước những khó khăn đó, huyện Cẩm Thủy xác định đây là thách thức để huyện đánh giá được sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền các xã, nhất là sự đoàn kết, quyết tâm của Nhân dân. Vì vậy, huyện đã bám sát mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo các xã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối khả năng huy động nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí. Theo đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Các xã được chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế... Huyện cũng tập trung giải quyết về cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất...
Mô hình trồng cà chua tại xã Định Bình (Yên Định).
Là địa phương đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn NTM, huyện Yên Định không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao, trong đó, tập trung vào thực hiện các tiêu chí như thu nhập, an toàn thực phẩm, bảo vệ và tạo cảnh quan môi trường... Theo ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định: Do nguồn vốn để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí lớn nên huyện chú trọng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân. Hiện nay, huyện đang chú trọng thực hiện kế hoạch xây nhà máy nước sạch để cung cấp nước sạch tập trung cho 13 xã trên địa bàn. Huyện cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển các sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn mới, huyện Yên Định phấn đấu hoàn thành hơn 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, trình thẩm định vào năm 2024.
Có thể nói, đối với bộ tiêu chí mới, hầu hết các tiêu chí đều đòi hỏi phải đạt ở chuẩn cao hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương phải nỗ lực quyết tâm nhiều hơn nữa trong suy nghĩ và hành động. Ngay khi các bộ tiêu chí NTM được ban hành, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tiếp tục tham mưu kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện bộ tiêu chí mới. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí NTM, nhất là những nội dung tiêu chí mới, khó, như: Nước sạch tập trung, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế chủ lực, các nội dung tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số... Từ đó, có các giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn/bản miền núi, 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM.
Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng NTM... Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn/bản miền núi, 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện và 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã và 10% số thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Vì vậy, với tiền đề thành công của giai đoạn trước, tin tưởng rằng việc xây dựng NTM với các tiêu chí mới sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, bền vững, góp phần to lớn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung cũng như mỗi một địa phương nói riêng và để ngày càng có thêm nhiều “miền quê đáng sống”.