Nhiều nước phản ứng với lời đe dọa áp thuế mới của Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp dụng mức thuế 25% với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, đánh dấu một bước leo thang lớn khác trong cuộc cải tổ chính sách thương mại của ông.
Phát biểu với các phóng viên đi cùng chuyên cơ Không lực Một trên đường đến New Orleans ngày 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ chính thức công bố biện pháp mới này ngày 10/2 (giờ Mỹ), đồng thời công bố mức thuế qua lại vào những ngày tiếp theo, sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức, áp dụng với tất cả các quốc gia và tương ứng với mức thuế quan mà họ áp dụng với hàng hóa Mỹ. Dù vậy, ông không nói cụ thể những nước nào sẽ bị ảnh hưởng. “Rất đơn giản, nếu họ tính phí chúng tôi, chúng tôi sẽ có biện pháp tương tự với họ”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Hiện nay, nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là từ Canada, Brazil, Mexico, tiếp đến là Hàn Quốc và Việt Nam, theo thông tin của chính phủ và Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI). Trong khi đó, Canada cũng là nước cung cấp lượng nhôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm đến 79% tổng lượng nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2024, tiếp đến là Trung Quốc, Mexico và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Canada Francois-Philippe Champagne đăng tải trên mạng xã hội X cho biết: “Thép và nhôm của Canada đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với ngành quốc phòng, đóng tàu và ô tô của Mỹ. Chúng tôi sẽ đứng lên để bảo vệ Canada, lao động và các ngành công nghiệp của chúng tôi”. Theo các nguồn tin từ chính phủ Canada, Ottawa sẽ không phản ứng với thông tin về mức thuế áp với thép và nhôm cho đến khi có thông báo chính thức.
Thủ hiến tỉnh Quebec của Canada, ông Francois Legault cho biết: “Chính quyền Trump đang đe dọa tấn công các ngành nhôm và thép, những ngành mà Mỹ phụ thuộc phần lớn vào các nước khác. Quebec xuất khẩu 2,9 triệu tấn nhôm cho họ, tức là 60% nhu cầu của họ. Họ có thích lấy nguồn cung từ Trung Quốc không?” Ông cũng kêu gọi bắt đầu đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng bất ổn này.
Theo Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ông có kế hoạch điện đàm với ông Trump và nêu ra vấn đề này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra vấn đề vì lợi ích của Australia và chúng tôi nghĩ rằng điều này cũng có liên quan đến lợi ích của Mỹ bởi thuế quan sẽ ảnh hưởng đến cả người mua các sản phẩm”, ông Albanese phát biểu trước Quốc hội Australia, Al Jazeera đưa tin. Theo dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, Australia đã xuất khẩu khoảng 237 triệu USD thép và sắt sang Mỹ vào năm 2023, khoảng 275 triệu USD nhôm vào năm 2024.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Ảnh minh họa Getty Images.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_5_51445180/ce2e821ab6545f0a0645.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Ảnh minh họa Getty Images.
Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết chính phủ Mỹ sẽ cho phép Nippon Steel của Nhật Bản đầu tư vào U.S. Steel, nhưng sẽ không cho phép công ty này nắm cổ phần chi phối. Nippon Steel từ chối bình luận về phát biểu mới nhất của ông Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó miễn thuế với một số đối tác thương mại, bao gồm Canada, Mexico và Brazil. Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden sau đó đã đàm phán các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế với Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Dù vậy, dưới thời ông Trump, chưa biết điều gì sẽ xảy ra với những thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 11 hoặc 12/2 để cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch áp thuế quan qua lại. Nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã phàn nàn về mức thuế 10% mà EU áp với ôtô, cao hơn mức 2,5% mà Mỹ áp dụng. Ông thường xuyên nói rằng châu Âu “hầu như chẳng nhập khẩu gì từ Mỹ” nhưng vẫn vận chuyển hàng triệu chiếc sang bên kia bờ Đại Tây Dương mỗi năm. Tuy nhiên, Mỹ được hưởng lợi từ mức thuế 25% đối với xe bán tải, một nguồn lợi nhuận quan trọng với các nhà sản xuất ôtô ở Detroit như General Motors, Ford và Stellantis, Reuters đưa tin.
Công suất sử dụng của các nhà máy thép ở Mỹ đã tăng lên mức trên 80% vào năm 2019 sau khi ông Trump áp dụng mức thuế quan ban đầu, nhưng đã giảm đáng kể sau đó và kéo theo một đợt tụt giá thép. Kevin Dempsey, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của AISI, cho biết nhóm thương mại trong ngành hoan nghênh cam kết của ông Trump đối với một ngành công nghiệp thép mạnh mẽ. “Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Tổng thống và chính quyền của ông để thực hiện một chương trình nghị sự thương mại mạnh mẽ và được tiếp thêm sinh lực nhằm giải quyết nhiều chính sách và hoạt động làm méo mó thị trường nước ngoài tạo ra sân chơi không bình đẳng cho các nhà sản xuất thép Mỹ”.
Chris Swonger, Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Rượu chưng cất Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng mức thuế thép mới của ông Trump sẽ dẫn đến việc EU áp dụng lại thuế trả đũa đối với rượu whisky của Mỹ, thậm chí có thể tăng lên 50%. “Chúng tôi đang thúc giục Mỹ và EU hành động nhanh chóng để tìm ra giải pháp. Ngành công nghiệp rượu whisky của Mỹ đang bị đe dọa. Mức thuế 50% đối với rượu mạnh bản địa của Mỹ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho 3.000 nhà máy chưng cất nhỏ trên khắp đất nước”.
Đáng chú ý, các mức thuế mà ông Trump tuyên bố áp lên Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực ngày 11/2. Tổng thống Mỹ trước đó từng ngụ ý rằng EU có thể sẽ là đối tượng áp thuế tiếp theo tại Mỹ. Phát biểu hồi đầu tháng 2, ông Trump nhấn mạnh dù không có lịch trình cụ thể nhưng ông sẽ sớm áp thuế với châu Âu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 10/2 nhấn mạnh EU sẽ phản ứng với thông báo áp thuế mới nhất của ông Trump.