Iran đe dọa nguồn cung dầu thế giới

Iran cảnh báo phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến vận tải chiếm 20% giao dịch dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu vào nguy cơ tăng vọt.

Lực lượng vũ trang Iran cảnh báo có thể phong tỏa eo biển Hormuz nếu nhận lệnh từ giới lãnh đạo cấp cao, động thái có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ thế giới.

 Hình minh họa các thùng dầu được xếp ngay ngắn. Ảnh: Oil Price

Hình minh họa các thùng dầu được xếp ngay ngắn. Ảnh: Oil Price

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người Iran đổ xuống đường kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Đây là cuộc tuần hành đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và tái khởi động chiến lược "gây sức ép tối đa" lên Tehran.

Eo biển Hormuz là tuyến vận tải quan trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu, chiếm khoảng 20% lưu lượng giao dịch dầu mỏ thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại khu vực này đều có thể đẩy giá dầu tăng vọt và làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với các nước phương Tây. Các lệnh trừng phạt mới từ chính quyền Trump cùng lời đe dọa từ Iran khiến tình hình khu vực càng trở nên căng thẳng.

Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri, Tư lệnh Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ngày Chủ nhật tuyên bố Iran hoàn toàn có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz nếu nhận lệnh.

"Chúng tôi có đủ năng lực để đóng eo biển Hormuz", ông nhấn mạnh, đồng thời khẳng định quyết định cuối cùng sẽ do "các lãnh đạo cấp cao" đưa ra.

Đây không phải lần đầu Tehran đưa ra lời đe dọa như vậy. Năm 2018, Iran từng cảnh báo phong tỏa tuyến đường biển này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tháng 4 năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng với Israel leo thang, Tangsiri cũng từng đề cập khả năng đóng cửa eo biển Hormuz.

Mỹ siết chặt trừng phạt kinh tế Iran

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba đã ký sắc lệnh với mục tiêu đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0, song khẳng định vẫn muốn tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Đây là một phần trong các lệnh trừng phạt kinh tế được tái áp đặt sau khi ông rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) năm 2015.

Phát biểu về chính sách đối với Iran, Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân thay vì "ném bom dữ dội vào nước này", đồng thời nhấn mạnh rằng Israel sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào nếu hai bên đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, hôm thứ Hai, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có bài phát biểu nhân kỷ niệm 46 năm Cách mạng Hồi giáo, trước đám đông lớn tại Tehran. Ông khẳng định Iran sẽ kiên quyết chống lại mọi "âm mưu" từ bên ngoài.

"Dù chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng từ ngày đầu tiên, kẻ thù đã tìm cách gây xung đột", Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh.

Nhận định về tình hình hiện tại, chuyên gia Trita Parsi từ Viện Quincy vì Chính sách Đối ngoại có Trách nhiệm nói với Newsweek rằng: "Với việc Tổng thống Trump từng rút khỏi JCPOA, rất khó để Iran đặt niềm tin vào ông ấy, dù ông đang phát đi những tín hiệu rõ ràng rằng muốn đàm phán và không tìm cách gây chiến hay thay đổi chế độ tại Iran".

Trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực trừng phạt, phản ứng của Iran vẫn còn là ẩn số. Nhà lãnh đạo tối cao Iran gần đây đã phát đi thông điệp cứng rắn, cho thấy khả năng nối lại đàm phán với Mỹ là rất thấp. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn khép lại cánh cửa đối thoại, để ngỏ cơ hội cho những giải pháp ngoại giao trong tương lai.

Việt Hà (Theo Newsweek)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/iran-de-doa-nguon-cung-dau-the-gioi-post333934.html
Zalo