Nhiều hộ dân, hợp tác xã chưa được thanh toán tiền bán cây dược liệu an xoa
Mặc dù bước đầu cây dược liệu an xoa trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Cam Lộ đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khiến đầu ra sản phẩm gặp trở ngại, dẫn đến việc đơn vị thu mua chậm thanh toán tiền. Điều này đã khiến nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) tham gia canh tác cây trồng này lo lắng vì gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Vì tiền bán cây an xoa chưa được thanh toán hết nên anh Trần Văn Thu ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa không thể thu hoạch lứa tiếp theo mà buộc chăm sóc dù cây đã quá lứa -Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Nhiều diện tích cây an xoa quá lứa chưa thể thu hoạch
Năm 2022, HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa tham gia dự án trồng thử nghiệm 1,6 ha cây an xoa tại địa phương. Sau khi được đối tác là Công ty TNHH Thương mại sản xuất Agri Dynamics chi nhánh Quảng Trị (gọi tắt Công ty Agri Dynamics) hỗ trợ một phần kinh phí để mua cây giống, phân bón, HTX đầu tư thêm 130 triệu đồng để canh tác.
Sau hơn một năm trồng, chăm sóc, các thành viên HTX thu hoạch lứa đầu tiên được 27 tấn tươi và Công ty Agri Dynamics thu mua với giá là 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, toàn bộ tiền thu mua cây an xoa chỉ mới được phía doanh nghiệp chi trả 40 triệu đồng vào cuối năm 2024, còn lại hơn 290 triệu đồng đến nay HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn vẫn chưa nhận được.
Phó Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn Lê Xuân Sơn cho biết, cây an xoa trung bình mỗi năm thu hoạch 2 lứa. Với 1,6 ha do HTX trồng thì đến nay vẫn còn 3 - 4 đợt thu hoạch nữa, nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai dù cây đã quá lớn so với chu kỳ phải khai thác.
“Giờ tiền cây an xoa bán lứa đầu tiên chúng tôi chưa nhận đủ, chi phí đầu tư ban đầu không thể quyết toán, nhưng hiện tại HTX vẫn phải chịu các chi phí phát sinh cho chăm sóc diện tích chưa được khai thác này là khoảng 30 triệu đồng/lứa. Mong mỏi nhất của chúng tôi là sớm nhận được số tiền phía doanh nghiệp thu mua đang nợ, có hướng xử lý lâu dài cho chúng tôi dù tiếp tục hoặc dừng dự án. Chứ nếu kéo dài thế này có lẽ HTX sẽ rất khó khăn”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Phó Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn Lê Xuân Sơn lo lắng vì hơn 1,6 ha an xoa quá lứa chưa thể thu hoạch buộc phải phát sinh chi phí chăm sóc - Ảnh: Lê Trường
Cùng hoàn cảnh, gia đình anh Trần Văn Thu ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa tham gia dự án trồng cây an xoa từ năm 2021. Nếu tính theo chu kỳ khai thác của loại cây dược liệu này, thì trên 1 ha an xoa của gia đình, đến nay phải thu hoạch được 5-6 lứa lá tươi.
Tuy nhiên, hiện sau gần 4 năm nhưng diện tích cây an xoa nói trên của gia đình anh Thu chỉ mới thu hoạch được 1 lứa, còn lại vẫn đang “nằm chờ” dù cây đã lớn cao và đáng nói hơn là tỉ lệ cây còn sống chỉ khoảng 70% với độ dày lá thấp do không đủ chi phí chăm sóc. Những diện tích này dù có thu hoạch đi nữa thì chất lượng tinh chất cao để xuất khẩu cũng sẽ rất thấp và giá thu mua cũng không được bao nhiêu.
Theo anh Thu, ban đầu triển khai dự án, ngoài hỗ trợ của Công ty Agri Dynamics về phân bón, giống cây thì gia đình phải đầu tư thêm khoảng 120 triệu đồng nữa để lắp đặt hệ thống tưới và canh tác. Số tiền này, lúc đó bố anh Thu phải đi vay mượn, bán thêm cặp bò để đầu tư. Đến năm 2022, thu hoạch vụ đầu tiên, công ty thu mua với số tiền 120 triệu đồng, nhưng đến cuối năm 2023 mới chỉ trả 40 triệu đồng, còn lại nợ 80 triệu đồng cho đến nay.
“Thực sự rất lo lắng, bởi vì ban đầu cứ nghĩ trồng cây dược liệu sẽ tạo sinh kế ổn định cho gia đình. Nhưng thực tế, sau 4 năm tiền đầu tư vay mượn chưa được thanh toán, lại phải gánh thêm khoản nợ để chăm sóc cho cây chưa thể thu hoạch. Đáng buồn là cha tôi lúc đó rất tâm đắc tham gia dự án mong “đổi đời” nhưng giờ ông đã mất mà tiền thu mua cây đợt đầu vẫn chưa nhận được”, anh Thu cho biết.
Không phải là hộ dân trực tiếp tham gia trồng an xoa, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Dung, ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa cũng đang gặp tình cảnh tương tự với việc bị Công ty Agri Dynamics nợ số tiền hơn 260 triệu đồng suốt 3 năm nay.
“Gia đình tôi hợp đồng với doanh nghiệp để sơ chế cây an xoa từ lá tươi thành cao từ năm 2021. Hiện tại, không biết vì lý do gì mà phía Công ty Agri Dynamics dù đã nhận bàn giao gần 400 kg sản phẩm cao an xoa hợp đồng từ năm 2022 đến nay nhưng vẫn chưa thanh toán tiền công cho chúng tôi. Mong muốn nhất là dù có tiếp tục hợp đồng hay không thì ít ra công ty phải có phản hồi và trả số tiền nói trên để gia đình chi trả các chi phí của quá trình nấu cao. Dù đã nhiều lần liên hệ phía công ty, làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng toàn là “hứa” chứ tiền thì mãi không nhận được”, bà Dung bức xúc nói.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Cam Lộ có hàng chục hộ gia đình, HTX đứng tên liên kết trồng cây an xoa với Công ty Agri Dynamics. Tổng số tiền thu mua an xoa mà đến nay phía doanh nghiệp đang nợ người dân ước khoảng hơn 500 triệu đồng.
Bao giờ trả nợ cho người dân?
Là loại cây dược liệu khá dễ trồng và chăm sóc vì ít sâu bệnh, chịu được hạn và phù hợp với thổ nhưỡng vùng gò đồi nên an xoa được trồng thử nghiệm với diện tích gần 17,7 ha tại địa bàn các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành và Cam Hiếu của huyện Cam Lộ. Sau thời gian xuống giống, cây dược liệu này tỏ ra thích ứng, phát triển tốt với vùng đất địa phương và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong năm 2021, những lô hàng cao dược liệu an xoa đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mở ra hướng phát triển tiềm năng mà cây trồng này mang lại.

Không ít diện tích cây an xoa của người dân xã Cam Nghĩa không thể thu hoạch vì Công ty Agri Dynamics dừng thu mua - Ảnh: Lê Trường
Khi tham gia chuỗi liên kết với Công ty Agri Dynamics trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm từ cây an xoa, các hộ gia đình bên cạnh việc được hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây từ doanh nghiệp, người dân cũng mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để canh tác cây an xoa đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, địa phương đã hỗ trợ diện tích đất 5.000 m2 tại Cụm Công nghiệp Cam Hiếu để Công ty Agri Dynamics xây dựng nhà máy chế biến cây an xoa với số vốn đầu tư hơn 11,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua vì nhiều yếu tố khách quan, phía doanh nghiệp chưa triển khai xây dựng nhà máy, tiền thu mua sản phẩm của người dân cũng đang nợ. Điều này đã khiến người dân bất an và gặp nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng canh tác loại cây này.
“Trước bối cảnh sắp xếp, sáp nhập địa phương, chúng tôi cũng đang ráo riết đốc thúc, có văn bản gửi Công ty Agri Dynamics yêu cầu sớm xử lý nợ đọng cho người dân. Đồng thời, có phương án thu mua diện tích an xoa còn lại và khẩn trương tiến hành xây dựng nhà máy theo kế hoạch. Mới đây, Công ty Agri Dynamics đã có văn bản gia hạn thời gian thanh toán tiền thu mua cho người dân để bổ sung một số thủ tục trong vay vốn. Hy vọng, sau khi có nguồn, đối tác sẽ sớm chi trả tiền cho bà con”, ông Linh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Giám đốc Công ty Agri Dynamics Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết, việc hợp đồng thực hiện dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu an xoa là hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con và lợi nhuận của công ty từ nhiều năm nay. Minh chứng là nhiều lô hàng xuất khẩu loại cây dược liệu này đã được thị trường Mỹ chấp nhận và đặt hàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhiều yếu tố về chính trị khiến thị trường xuất khẩu nước ngoài có biến động nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp đôi chút khó khăn, dẫn đến nguồn thu của công ty bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, thủ tục xây dựng nhà máy tại Cụm Công nghiệp Cam Hiếu còn vướng mắc làm cho việc thu mua cây an xoa và thanh quyết toán chậm hơn so với kế hoạch.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư, hoàn thành các thủ tục để vay vốn nhằm đảm bảo tài chính hoạt động. Nếu thuận lợi, công ty sẽ chi trả tiền thu mua đang nợ cho bà con trong tháng 5 này và mong muốn tiếp tục dự án liên kết như cam kết”, bà Vân khẳng định.