Gia tăng giá trị cho ngành hàng hồ tiêu
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 27.730 ha hồ tiêu, năng suất bình quân 30,95 tạ/ha. Niên vụ hồ tiêu 2024 - 2025, nông dân phấn khởi khi giá tiêu tăng cao so với nhiều năm trước.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch hồ tiêu khoảng từ tháng 3 đến tháng 4/2025.
Tuy nhiên, ngành hàng hồ tiêu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ dịch bệnh, giảm năng suất, thiếu liên kết, thị trường tiêu thụ… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp để phát triển bền vững, gia tăng giá trị cho người trồng, doanh nghiệp và cả ngành hàng.
Giá tiêu tăng cao
Niên vụ hồ tiêu 2024 - 2025, nông dân Đắk Lắk thu hoạch khoảng tháng 3 đến tháng 4/2025. Vào đầu vụ thu hoạch, giá hồ tiêu tăng đến 160.000 đồng/kg; đến giữa tháng 4, giá tiêu giao động khoảng 154.000 - 157.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao, đem lại niềm vui lớn cho người trồng tiêu sau nhiều năm giá tiêu hạ thấp (năm 2018, giá tiêu khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg).
Thu hoạch tiêu trong thời điểm giá lên 160.000 đồng/kg, ông Hoàng Văn Tùng, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vui mừng cho biết, gia đình có 4 sào tiêu trồng xen canh trong vườn cà phê. Năm nay dù giảm năng suất khoảng 60% do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhưng bù lại giá bán tăng cao nên thu về được khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Giá tiêu tăng cao nên tinh thần bà con nông dân cũng phấn khởi, bà con thu hoạch kết hợp tỉa cành, chăm sóc, rửa vườn… nhằm hướng tới niên vụ mới đạt năng suất cao hơn và kỳ vọng giá bán sẽ duy trì ổn định.
Còn ông Nguyễn An Thạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ huyện Cư Kuin cho hay: Hợp tác xã có hơn 100 thành viên với gần 200 ha hồ tiêu tại xã Ea Bhốk, năng suất khoảng 2,5 - 3 tấn/ha, giá bán năm nay ước đạt 400 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí sản xuất). Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao dự kiến sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con trồng tiêu sau nhiều năm giá tiêu ở mức thấp. Hiện nay, bà con hợp tác xã tập trung hoàn thành thu hái để tái chăm sóc hồ tiêu, đảm bảo vườn cây sinh trưởng và phát triển ổn định.
Giá tiêu tăng cao không chỉ đem lại niềm vui cho người trồng mà còn tạo việc làm thời vụ ổn định cho một bộ phận lớn lao động hái tiêu trong giai đoạn thu hoạch.
Chị H’Doa Knul, Buôn Dung, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, vào các niên vụ trước, mỗi công hái tiêu thuê được khoảng 250.000 đồng/ngày, năm nay giá tiêu tăng cao, nhu cầu thuê nhân công hái tiêu trong các tháng thu hoạch tăng nên giá nhân công tăng lên 300.000 đồng/ngày. Mặc dù lao động thời vụ nhưng công việc ổn định trong khoảng 3 tháng với mức thu nhập khá sẽ giúp gia đình trong sinh hoạt, cho con đi học và có thể tích lũy để mua sắm tài sản nên người làm công cũng rất phấn khởi.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Kuin Nguyễn Cảnh Danh, địa phương là vùng trọng điểm trồng tiêu của tỉnh với diện tích hơn 4.700 ha. Hằng năm cho sản lượng khoảng 15.000 tấn, trung bình 3,2 tấn/ha bình quân. Niên vụ 2024 - 2025, bà con được giá nên rất phất khởi, tập trung thu hái, sơ chế, bán sản phẩm ra thị trường. Hiện toàn huyện đã thu hoạch đạt trên 55% diện tích tiêu. Năm nay, ngành nông nghiệp và môi trường huyện cũng tập trung theo dõi, khuyến cáo người trồng tiêu thu hoạch đảm bảo an toàn, phù hợp với tính thời vụ cho những năm tiếp theo.
Phát triển bền vững ngành hàng
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những thuận lợi về giá cả thì sản xuất hồ tiêu cũng đang đối mặt với những thách thức và tiềm ẩn những rủi ro, như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; sâu, bệnh gây hại… Do đó, người trồng tiêu cần tập trung chăm sóc, phát triển, nâng cao chất lượng… diện tích tiêu hiện có nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn An Thạnh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ huyện Cư Kuin cho biết, giá tiêu tăng cao đem lại niềm vui nhưng bà con cũng gặp nhiều khó khăn khi năng suất năm nay giảm do thời tiết; thị trường thiếu ổn định; việc trồng xen hồ tiêu cùng cà phê, sầu riêng không đảm bảo khoảng cách cây trồng cũng ảnh hưởng đến năng suất cây hồ tiêu; cây tiêu khi xảy ra dịch bệnh rất dễ đi đến thiệt hại nặng, tuổi cây hồ tiêu đã nhiều năm nên năng suất ngày càng giảm, khó tái canh vì rủi ro cao…
Để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu, nhất là trong bối cảnh giá tiêu tăng cao như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người nông dân không nên chạy theo thị trường, phát triển hồ tiêu ồ ạt không theo định hướng của chính quyền địa phương, làm phá vỡ các quy hoạch cây trồng và tiềm ẩn nhiều rủi ro phát triển tiêu ở những vùng không có nước tưới, những vùng trũng thấp dễ bị ngập nước và tái canh tiêu ở những vùng đã trồng trước đây đã bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, bệnh héo chết chậm, tuyến trùng…
Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Kuin cho rằng, để phát triển cây hồ tiêu bền vững, trước hết đòi hỏi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và giảm phát thải; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; trồng cây hồ tiêu đúng mật độ, quy trình kỹ thuật và theo khuyến cáo của các nhà khoa học.… đem lại sự ổn định cho vườn cây.
Đặc biệt, người trồng tiêu cần liên kết sản xuất, hình thành hợp tác xã theo hướng sản xuất hàng hóa; phòng trừ tốt các loại sâu bệnh trên cây hồ tiêu, nhất là vàng lá chết nhanh, các loại bệnh nguy hiểm trong thời điểm mưa nhiều; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hồ tiêu, đáp ứng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải thiện hệ thống thủy lợi để phục vụ tưới tiêu trong mùa khô, thoát nước trong mùa mưa để thuận lợi trong sản xuất hồ tiêu; kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng bà con liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để hạn chế rủi do trong quá sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trong điều kiện hiện nay sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới trong đó có Hồ tiêu phải thực hiện đầy đủ các quy định của nước nhập khẩu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để minh bạch sản phẩm từ sản xuất cho đến chế biến.
Để phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới ngành nông nghiệp và môi trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, giảm bệnh vàng lá chết chậm và bệnh héo chết nhanh; rà soát phân loại diện tích hồ tiêu hiện có, chuyển đổi diện tích hồ tiêu ở những vùng không thích hợp, nhiễm bệnh nặng, già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây khác; khuyến khích canh tác bền vững và thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sản phẩm sinh học và áp dụng hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, khuyến khích thành lập các hợp tác xã hồ tiêu để liên kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa; xây dựng thương hiệu hồ tiêu sản xuất theo chứng nhận để truy xuất nguồn gốc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, giám sát canh tác, phân tích dữ liệu thời tiết, cảnh báo sâu bệnh, áp dụng công nghệ sau thu hoạch như sấy, chế biến, phân loại tiêu đạt chuẩn xuất khẩu…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thường xuyên cung cấp các giải pháp về sản xuất đồng thời doanh nghiệp chủ động chuyển giao các công nghệ hỗ trở cho hợp tác xã về công nghệ thương mại điện tử giao dịnh trên sàn điện tử; xây dựng các thương hiệu thông qua sản phẩm OCOP, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến đặc biệt chế biến sâu.
Theo đại diện của một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu ở Đắk Lắk, hướng đến phát triển ngành hàng hồ tiêu bền vững, gia tăng giá trị kinh tế cho người nông dân lẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu thì cần thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm đảm bảo quy trình canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chế biến, xuất khẩu. Từ đó, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, khẳng định thương hiệu hồ tiêu Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị của cả ngành hàng.