Cơ hội cho nông sản Việt
Trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam, cả hai nước đều có tuyên bố chung về thị trường xuất nhập khẩu nông sản.
Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Sắp tới, trái cam của Việt Nam, đặc biệt là cam từ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có cơ hội được xuất khẩu chính ngạch sang đất nước tỷ dân láng giềng. Một khi có được quyền xuất khẩu, đáp ứng được những điều kiện kỹ thuật cơ bản, cơ hội với người nông dân trồng cam là vô cùng rộng mở.
Tuyên bố chung đồng thời cho biết, phía Trung Quốc hoan nghênh phía Việt Nam tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại Trung Quốc, sẵn sàng tiếp tục tạo thuận lợi sớm thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam) và các địa phương liên quan khác. Hai bên nhất trí phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới, giảm tải áp lực thông quan.
Việt Nam hiện đang nhập siêu với Trung Quốc. Ví dụ, năm 2024 nhập siêu 83 tỷ USD với Trung Quốc. Việt Nam phải tranh thủ những chính sách ưu tiên từ Trung Quốc để tăng cường xuất khẩu sang quốc gia này. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập bình quân không ngừng tăng. Trung Quốc là thị trường hấp dẫn với cả thế giới. Từ châu Mỹ tới châu Âu đều tìm cách bán hàng vào đây. Trong khi Việt Nam có đường biên giới hơn 1.000km với Trung Quốc, tại sao không?
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,6 tỷ USD hàng rau củ quả sang Trung Quốc, tăng 1 tỷ USD so với năm 2023 với sự đóng góp đáng kể từ trái sầu riêng. Rõ ràng, chỉ cần có điều kiện thì trái cây Việt Nam có thể đánh bật trái cây các nước khác, thậm chí cả Thái Lan, xứ sở sầu riêng và là nhà cung cấp sầu riêng chính cho Trung Quốc trong thời gian trước đây.
Không chỉ sầu riêng, chuối là một sản phẩm mà Việt Nam chiếm ưu thế. Trong quý I vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai - Công ty nông nghiệp với 7.000 héc-ta chuối đã báo lãi 360 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ xuất khẩu chuối thuận lợi. Phần lớn chuối của Hoàng Anh Gia Lai được xuất khẩu sang Trung Quốc, phần còn lại xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đối thủ chính của chuối Việt Nam là Philippines, một quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với sâu bệnh. Thị phần chuối của Philippines tại Trung Quốc đã mất dần vào tay Việt Nam từ giữa năm ngoái theo cách như vậy. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn mang lại cơ hội cho Việt Nam, dù nhỏ.
Theo số liệu từ Cục Hải quan Mỹ, Trung Quốc nhập hơn 13 tỷ USD ngũ cốc, hạt, trái cây từ Mỹ, trong năm 2024. Với mức thuế không tưởng mà hai bên áp lên nhau, thì có thể nhìn nhận 13 tỷ USD này sẽ là khoảng trống Mỹ bỏ lại thị trường Trung Quốc. Tất nhiên, các quốc gia châu Âu, châu Á khác cũng dòm ngó vào khoảng trống này.