Nhiều đổi mới đột phá tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), tập trung vào các đổi mới mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ảnh AI tạo)

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ảnh AI tạo)

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo luật quy định huy động tối đa nguồn lực của địa phương, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, dự thảo có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).

Dự thảo cũng có quy định về rút ngắn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt (TOD) nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo quy định tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; sửa đổi, bổ sung quy định về cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư để thu hút, đa dạng hóa các loại hình quản lý, đầu tư phát triển đường sắt như "Lãnh đạo công - quản trị tư", "Đầu tư công - quản lý tư", "Đầu tư tư - sử dụng công"...

Về hoạt động vận tải đường sắt, dự thảo quy định giao trách nhiệm cho tổ chức quản lý, vận hành khai thác đường sắt phải quy định và duy trì hệ thống quản lý an toàn nhằm nâng cao hoạt động vận tải đường sắt.

Về kết nối các phương thức vận tải, dự thảo luật bổ sung yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường sắt phải bảo đảm kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa các tuyến đường sắt và giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác; quy định các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, khu đầu mối giao thông phải có quy hoạch kết nối với đường sắt, phát huy lợi thế của từng phương thức và vận tải đa phương thức.

Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt, dự thảo bổ sung các quy định về một số sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư; dự án đầu tư xây dựng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt có gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế phải có điều kiện ràng buộc nhà thầu nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam.

Đồng thời, dự thảo luật cũng cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính; phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt…

MINH ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-doi-moi-dot-pha-tao-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-duong-sat-post782906.html
Zalo