Cơ chế nhà nước đặt hàng giúp hình thành ra công ty 'kỳ lân' với các công nghệ đột phá

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, việc nhà nước đặt hàng mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt, việc có một đối tác chiến lược như nhà nước sẽ giúp hình thành ra các 'kỳ lân' với công nghệ đột phá phát triển và trưởng thành.

Chúng ta đang đứng ở đâu?

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết, hiện nay công nghệ sáng tạo của Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vượt qua mức độ phát triển kinh tế, điều này thể hiện qua các chỉ số quốc gia. Ví dụ, chỉ số thế giới của Việt Nam đứng ở vị trí 70, một thành tích đáng mừng vì các chỉ số này thường đo lường khoảng 130-150 quốc gia. Thông thường, Việt Nam thường đứng ở vị trí 80-100, nhưng hiện nay, với vị trí 70, chúng ta có thể tự hào. Tuy nhiên, đặc biệt hơn, Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở mức rất cao, dao động từ vị trí 40 đến 50 trên thế giới, điều này phản ánh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo đã đi vào thực tế và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Một ví dụ rõ ràng về điều này là hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có hơn 4.000 doanh nghiệp startup trong số hơn 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là một con số ấn tượng, mặc dù con số này vẫn còn nhỏ so với các nước phát triển. Tuy nhiên, trong khi các khái niệm về khởi nghiệp vẫn chưa thống nhất hoàn toàn, có đến 10 văn bản pháp lý khác nhau từ các cơ quan nhà nước xác định khởi nghiệp theo các cách khác nhau. Các nghị quyết như Nghị quyết 98, Nghị quyết Đà Nẵng và Luật Thủ đô đều đưa ra những định nghĩa và tiêu chí hỗ trợ khác nhau. Dù vậy, có thể ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 11 doanh nghiệp có giá trị trên 100 triệu USD.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Ảnh: ĐK).

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Ảnh: ĐK).

Một điểm đáng chú ý là chúng ta đã hình thành được 208 quỹ đầu tư, tuy nhiên, phần lớn trong số đó là các quỹ đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ở Việt Nam, số lượng quỹ còn lại chỉ khoảng 5-10 quỹ và hiện tại một số quỹ đã phải đóng cửa. Thêm vào đó, hơn 200 vườn ươm doanh nghiệp đã được hình thành, mặc dù đa phần là các khu quy mô nhỏ của tư nhân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học công nghệ, đã tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, theo đúng thông lệ quốc tế.

Mặc dù có những tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên theo ông Thịnh, chúng ta vẫn còn gặp phải những khoảng trống pháp lý và chính sách cần được bổ sung. Ví dụ, trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44 toàn cầu về sáng tạo, và có 2 thành phố trong nước lọt vào top 200 thế giới về hệ sinh thái sáng tạo là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lọt top 1000. Tuy nhiên, tốc độ phát triển khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn còn chậm so với các quốc gia khác. Trong vòng gần 10 năm qua, Việt Nam mới chỉ có 11 doanh nghiệp đạt giá trị trên 100 triệu USD khởi nghiệp sáng tạo, trong khi Ấn Độ có thể tạo ra 1-2 "kỳ lân" trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Điều này chứng tỏ rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Về khả năng huy động vốn, trong năm 2023-2024, Việt Nam chỉ thu hút được hơn nữa tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup, trong khi các công ty lớn như OpenAI có thể thu hút đến 10 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư vào toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 500 triệu USD, con số này quá thấp so với nhu cầu và tiềm năng phát triển của ngành.

Những năm gần đây, hiện tượng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã được đưa vào nhiều văn bản pháp luật với một mức độ chưa từng thấy. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng việc ghi nhận này chỉ mang tính chất hình thức; thực tế cho thấy, các quy định được ban hành thường mang tính "vá víu", không giải quyết triệt để các vấn đề then chốt của lĩnh vực này. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, một số quy định hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã được thêm vào là Điều 45 và một điều nữa là cho phép thí điểm một vài câu chuyện là nếu là công sản nhà nước thì được đem ra cho hỗ trợ đổi mới sáng tạo, dù vậy có doanh nghiệp 2 năm không làm xong đề án công sản.

“Một trong những thách thức lớn nhất đối với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam là việc sử dụng tài sản công. Các nước như Pháp và Singapore đã cho thấy sự linh hoạt trong việc chuyển đổi tài sản công thành tài sản tư, từ đó tạo ra các nguồn lực tài chính mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo. Ví dụ, Singapore thì họ dùng tòa nhà Block71 từ công sản sang doanh nghiệp kinh doanh, và chỉ mình tòa nhà này một năm doanh thu khoảng 8 tỷ đô. Tuy nhiên, để đạt được doanh thu như thế do chính phủ Singapore quyết định chuyển từ khu vực công sang tư. Cho nên câu chuyện đổi mới sáng tạo là khó nhất. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn còn đang bị vướng mắc bởi các quy định cứng nhắc và thiếu tính khả thi”, ông Thịnh chia sẻ.

Hiện nay, mặc dù có nhiều nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến đổi mới nhưng các tổ chức, doanh nghiệp không thể nhận tài trợ một cách dễ dàng. Quy trình phê duyệt tài trợ quá phức tạp, làm chậm lại quá trình phát triển của các dự án. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đổi mới sáng tạo còn thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Để khắc phục những tồn tại này, theo ông Thịnh trong thời gian tới, Việt Nam cần có một hệ sinh thái pháp lý đồng bộ, trong đó có thể xem xét việc xây dựng một Luật đổi mới sáng tạo như một giải pháp thiết yếu, lấy kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong lĩnh vực này. Chỉ khi có một cơ chế pháp lý rõ ràng và thuận lợi, chúng ta mới có thể phát huy tối đa tiềm năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong bối cảnh phát triển kinh tế bền vững.

Sự thay đổi từ Nghị quyết 57

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, trong bối cảnh hiện tại, việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ đòi hỏi một tư duy mới mẻ và sâu sắc hơn. Đặc biệt, khi các nhà làm chính sách chưa nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, chúng ta sẽ đối diện với những thách thức trong việc thiết lập và thực thi các quy định pháp luật. Sự thiếu vắng một chủ thuyết rõ ràng trước Nghị quyết 57 đã khiến cho các quyết định chính sách trở nên rời rạc, thiếu tính kết nối.

Nghị quyết 57 xác lập một tư duy mới: thay vì chỉ tập trung kiểm soát rủi ro, chúng ta mạnh dạn chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 57 xác lập một tư duy mới: thay vì chỉ tập trung kiểm soát rủi ro, chúng ta mạnh dạn chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“May mắn là khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ban hành, chủ thuyết quản lý khoa học - công nghệ đã trở nên rõ ràng hơn. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi thiết lập một chủ thuyết thống nhất trong việc quản lý và phát triển khoa học công nghệ. Nghị quyết này xác lập một tư duy mới: thay vì chỉ tập trung kiểm soát rủi ro, chúng ta cần mạnh dạn chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Thịnh nhận định.

Từ đó ông Thịnh chỉ ra 3 định hướng quan trọng trong chính sách phát triển khoa học - công nghệ. Thứ nhất, chuyển trọng tâm từ kiểm soát quy trình sang đánh giá kết quả. Trong thời gian qua, các cơ chế tài trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp bị kiểm soát quá chặt về quy trình, yêu cầu báo cáo nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp phải từ chối hỗ trợ do thủ tục quá phức tạp. Nghị quyết mới đưa ra cách tiếp cận khác: thay vì kiểm soát hóa đơn, chứng từ, chúng ta cần tập trung đánh giá hiệu quả thực sự của các dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, tăng tỷ lệ ngân sách đầu tư công cho khoa học - công nghệ. Chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực từ Nhà nước dành cho đổi mới sáng tạo. Khi rà soát khoảng 20-30 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhờ đổi mới sáng tạo, có một điểm chung là Chính phủ đều đóng vai trò đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ.

Một ví dụ điển hình là Mỹ. Chính phủ Mỹ không tài trợ trực tiếp cho Apple, nhưng trong vòng 5 năm đã có tới 60 khoản viện trợ cho các công nghệ lõi được ứng dụng trong iPhone, như màn hình cảm ứng hay vi xử lý. Họ sử dụng các quỹ quốc phòng và nghiên cứu để tài trợ cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy công nghệ phát triển.

Thứ ba, Nhà nước cần đóng vai trò đặt hàng để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, những ý tưởng sáng tạo xuất sắc thường xuất phát từ các dự án được Nhà nước cam kết đầu tư. Không thể phủ nhận rằng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, như trường hợp của Elon Musk, là minh chứng cho sự cần thiết của nguồn lực tài chính từ phía chính phủ. NASA đã tạo điều kiện cho SpaceX bằng việc đặt hàng lên tới 10 tỷ đô, từ đó không chỉ giúp công ty hoạt động mà còn thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ.

Vì vậy, sẽ không thể có công nghệ đột phá, sẽ không thể hình thành ở các "kỳ lân" nếu như không có đặt hàng của nhà nước. Việc phóng vệ tinh bởi các công ty tư nhân như SpaceX của Elon Musk đã mở ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ trụ. Tuy nhiên, một thực tế đáng chú ý là nhiều lần phóng vệ tinh này không hoàn toàn được tài trợ bởi Elon Musk mà chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước. Các Chính phủ đã chi hàng tỷ đô la cho những dự án này nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển công nghệ.

"Muốn khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng, chúng ta cần một sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy chính sách. Nhà nước không chỉ kiểm soát mà phải trở thành người đồng hành, đầu tư và đặt hàng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế", ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết thêm.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/co-che-nha-nuoc-dat-hang-giup-hinh-thanh-ra-cong-ty-ky-lan-voi-cac-cong-nghe-dot-pha-724429.html
Zalo