Cô gái cất bằng đại học, bỏ nghề tiếp viên hàng không để về quê nuôi lợn
TRUNG QUỐC - Có bằng cử nhân và làm tiếp viên hàng không nhưng đôi khi vẫn phải xin tiền cha mẹ để mua sắm, cô gái quyết định từ bỏ thành phố lớn để về quê chăn nuôi và kiếm được 200.000 nhân dân tệ (khoảng 693 triệu đồng) sau 2 tháng.
Cô gái 27 tuổi Dương Yên Hi sinh ra trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm tiếp viên hàng không tại Thượng Hải suốt 5 năm.
Dương Yên Hi chia sẻ rằng trong giai đoạn khó khăn của công ty, lương tháng của cô chỉ khoảng 2.800 nhân dân tệ (khoảng 9,7 triệu đồng). “Tôi thường xuyên xin tiền bố mẹ để mua túi xách hàng hiệu, không biết rằng họ đã cắt giảm chi tiêu và thậm chí mắc nợ để hỗ trợ tôi”, cô tâm sự với truyền thông địa phương.

Cô gái từ bỏ cuộc sống sang chảnh của tiếp viên hàng không, về quê nuôi lợn. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, tháng 10/2022, Dương Yên Hi vô tình phát hiện mẹ mình đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ các khối u mỡ mà không cho cô biết. Cảm thấy day dứt, cô quyết định nghỉ việc và trở về quê hương.
Cô tâm sự: “Bố mẹ tôi luôn báo tin tốt và giấu đi những chuyện buồn. Giờ đây, tôi muốn ở gần họ và không muốn sống xa nhà nữa”.
Thử sức với nghề nuôi lợn
Tháng 4/2023, cô Dương tiếp quản trang trại nuôi lợn của một người thân và bắt đầu công việc chăm sóc đàn lợn.
Cô chia sẻ hành trình của mình trên một nền tảng video ngắn, nhanh chóng thu hút gần 1,2 triệu người theo dõi. Trong các video, cô vừa chuẩn bị thức ăn, cho lợn ăn, dọn dẹp chuồng trại, vừa xuất hiện trong những bộ váy đẹp mắt...
Mặc dù cuộc sống ở nông thôn không dễ dàng nhưng cô vẫn kiên trì và lạc quan. “Tôi làm việc vất vả đến mức lưng và eo đau nhức mỗi ngày. Sau một ngày dài, người tôi lúc nào cũng bốc mùi khó chịu”, cô nói trên mạng xã hội.
Nhờ chăm chỉ, Dương đã kiếm được hơn 200.000 nhân dân tệ trong hai tháng từ việc bán lợn và một gia súc khác cùng quản lý tài khoản mạng xã hội của mình.
Cô còn đặt ra mục tiêu mở rộng trang trại, khai trương cửa hàng đặc sản và xây dựng một khách sạn trong tương lai.
Cô bày tỏ: “Giờ đây, tôi có thể sống gần bố mẹ, và điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện”.

Cô gái bỏ công việc hàng không để trở về gần gia đình ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Xu hướng lựa chọn công việc không chỉ vì bằng cấp
Câu chuyện của Dương Yên Hi đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Một cư dân mạng bình luận: “Lòng hiếu thảo của bạn thật đáng ngưỡng mộ. Một cô gái dũng cảm và thông minh có thể sống tốt dù làm nghề gì”.
Không chỉ Dương, nhiều người trẻ ở Trung Quốc cũng đang hướng tới chất lượng sống và sở thích cá nhân thay vì chạy theo quan niệm thành công truyền thống.

Dương Yên Hi cho biết, sau một ngày dài làm việc ở trang trại, cơ thể cô thường có mùi khó chịu. Ảnh: Weibo
Đầu năm nay, một thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc, khiến dư luận ngỡ ngàng khi quyết định học nghề nấu ăn.
Hay vào tháng 7 năm ngoái, một nhóm sinh viên triết học tại tỉnh Quảng Đông đã thu hút sự chú ý khi vừa bán xúc xích nướng, vừa thảo luận về những triết lý nhân sinh với khách hàng.