Nhiều địa phương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trái quy định
Nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành các công văn, văn bản yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; trong đó khẳng định sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm quán triệt chặt chẽ hoạt động này.
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ vừa ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Sở GD-ĐT yêu cầu đối với thủ trưởng cơ sở giáo dục, cần bám sát các quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT về vấn đề dạy thêm, học thêm. Công khai các quy định của Bộ, Sở GD-ĐT; kế hoạch dạy thêm, học thêm và thu, chi tiền dạy thêm của cơ sở giáo dục trên website đơn vị và các cuộc họp phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả chương trình giáo dục chính khóa; tổ chức kiểm tra đánh giá nghiêm túc, khách quan, công bằng để nâng cao chất lượng giáo dục các môn học và giảm áp lực học thêm; tuyệt đối không được cắt xén chương trình để dạy thêm, học thêm.
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường phải trên cơ sở tự nguyện của học sinh, đồng thuận của phụ huynh học sinh; nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, có chất lượng và hiệu quả.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, giáo viên của đơn vị dạy thêm ngoài nhà trường theo đúng quy định. Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong, ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm, học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX đầu tháng 12.2024, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết vấn đề dạy thêm học thêm là thực trạng chung không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh mà trên địa bàn cả nước. Hiện chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhằm siết chặt hơn nữa hoạt động này.
Ông Nguyễn Văn Mạnh nhấn mạnh thời gian tới, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các huyện, thành, thị quản lý việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên trong biên chế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác tổ chức dạy thêm, học thêm; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nâng cao kỹ năng sống, thể chất cho học sinh.
Tại Thái Bình, để giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, lãnh đạo UBND thành phố Thái Bình mới đây đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm về tham mưu, triển khai, tổ chức thực hiện, tránh tình trạng không kiểm tra thường xuyên, liên tục để xảy ra vi phạm. Tham mưu kế hoạch kiểm tra liên ngành thường xuyên và đột xuất việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các trung tâm, các địa điểm tổ chức dạy thêm; kịp thời tham mưu xử lý đơn vị, cá nhân vi phạm. Chỉ đạo nâng cao kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng dạy học; nghiêm cấm cắt xén nội dung chương trình trên lớp để gây sức ép cho phụ huynh cho con đi học thêm.
Lãnh đạo UBND thành phố Thái Bình yêu cầu Phòng Nội vụ tham mưu xử lý kỷ luật (theo thẩm quyền) hoặc điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm hoặc vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo. Đối với những giáo viên vi phạm dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố không thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố, tham mưu chuyển danh sách đến cơ quan hoặc đơn vị quản lý giáo viên đó để xử lý theo thẩm quyền. UBND các phường, xã cũng được yêu cầu tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
UBND TP. Phan Thiết (Bình Thuận) cũng vừa ban hành công văn chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Theo đó, thời gian qua, theo phản ánh của một số người dân, tình trạng giáo viên các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường tại địa phương vẫn còn tiếp diễn dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, lưu ý, nhắc nhở.
Để tiếp tục chấn chỉnh và quản lý tốt các hoạt động về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định, UBND TP. Phan Thiết yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các phường, xã thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác kiểm tra chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; chỉ đạo các trường học thuộc thành phố xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tự học, qua đó giúp học sinh được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Tăng cường công tác kiểm tra (nhất là kiểm tra đột xuất) hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm hoặc đề xuất xử lý (nếu có) các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
Tại Hà Tĩnh, trong hội nghị sơ kết giữa học kỳ I và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Phòng GD-ĐT TP. Hà Tĩnh, diễn ra tháng 11.2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu yêu cầu ngành GD-ĐT thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng dạy và học; tổ chức các chuyên đề, chuyên môn một cách hiệu quả giúp giáo viên nâng cao trình độ; tăng cường thời lượng dạy học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ; thí điểm lớp học thông minh; quán triệt tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xây dựng trường học hạnh phúc...
Hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn đã ký cam kết với UBND thành phố và lãnh đạo ngành về việc không để giáo viên, học sinh dạy thêm, học thêm trái quy định. Ngành GD-ĐT thành phố Hà Tĩnh cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm quán triệt chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Trước đó, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cũng ra văn bản về việc tiếp tục chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trái quy định. Theo đó, để làm tốt công tác quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, Phòng GD&ĐT Ba Đình đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận thực hiện nghiêm túc một số nội dung như tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý về công tác dạy thêm, học thêm đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Các trường cần tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trái quy định, chỉ được tham gia dạy thêm theo quy định và được sự đồng ý của hiệu trưởng.
Ngoài ra, quận Ba Đình yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và kịp thời xử lý, kiểm điểm các các trường hợp vi phạm, đặc biệt các hành vi, thái độ của cán bộ, giáo viên buộc học sinh phải học thêm; thực hiện dạy thêm tại các cơ sở chưa được cấp phép hoặc không báo cáo và được hiệu trưởng xem xét đồng ý.
Với các chương trình dạy liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, dạy học bổ trợ, làm quen Tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, nhà trường phải đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện, có sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, chỉ phối hợp với các đơn vị được cấp phép, được phê duyệt chương trình giảng dạy và đảm bảo chất lượng giảng dạy trong quá trình thực hiện.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Phòng GD-ĐT về các vi phạm trái quy định. Nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không xét danh hiệu thi đua trong năm học.
Bộ GD-ĐT chủ trương không cấm dạy thêm, nhưng cấm hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức, nguyên tắc chuyên môn
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: một là cấm, hai là quản lý. Do đó, trong dự án Luật Nhà giáo cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chúng ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật.
Liên quan đến ý kiến của nhiều đại biểu về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.