Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục 'nâng hạng' tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường, các thầy cô giáo tiếp tục nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Chiều 27/12, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây được coi như "hội nghị Diên Hồng" của ngành GD-ĐT Hà Nội được tổ chức hằng năm với sự tham gia của lãnh đạo các nhà trường cả công lập và tư thục, các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Hà Nội đạt được nhiều kết quả tốt. Tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT đạt 99,85%; tăng 0,1% so với năm 2023 và 0,37% so với năm 2022. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khối GDTX đạt 99,12%, tăng 0,82% so với năm 2023. So với năm 2023, Hà Nội tăng 5 bậc và so với 2022, Hà Nội tăng 16 bậc.
Đặc biệt, khoảng cách về chất lượng giữa các trường nội thành và ngoại thành; trường có điểm đầu vào cao và trường có điểm đầu vào thấp đã có sự thu hẹp đáng kể; chênh lệch về tỷ lệ tốt nghiệp giữa các trường cũng có sự đổi thay tích cực. Trong số 9 môn thi thì có 6 môn có điểm số tăng hơn so với năm 2023.
Cùng sự gia tăng về tỷ lệ và thứ bậc, chất lượng từng môn học có sự gia tăng, như môn lịch sử tăng 32 bậc; môn văn tăng 6 bậc trên toàn quốc so với năm 2023. Điểm thi các môn khoa học tự nhiên vốn là thế mạnh của các trường chuyên cũng có nhiều tín hiệu tốt khi có sự góp mặt của nhiều trường không chuyên.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, giáo dục Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, đó là: Chất lượng điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường chưa thực sự bền vững; vẫn có sự chênh lệch về điểm số giữa các trường hay chất lượng dạy học chưa có sự đồng đều ở các môn trong 1 trường.
Nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, sát với yêu cầu thực tế; quan tâm và có giải pháp phù hợp với những môn thi có số lượng học sinh đăng ký không nhiều; đẩy mạnh thực hiện cá biệt hóa quá trình ôn tập, bảo đảm không để cho bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Sở cũng lưu ý các đơn vị phát huy cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm; có giải pháp, cơ chế động viên, khuyến khích giáo viên chủ nhiệm tích cực phối hợp cùng giáo viên bộ môn trong quá trình tổ chức ôn tập của học sinh.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cần quan tâm đến sự đồng đều về chất lượng, có giải pháp phù hợp, động viên khuyến khích học sinh tích cực chuẩn bị tốt cho các môn đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tránh hiện tượng chỉ quan tâm môn học nhằm mục đích tuyển sinh, bỏ qua các môn còn lại.
Tham luận tại hội nghị, thầy Nguyễn Bình Long - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) đã chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT môn Toán và cho biết nhà trường luôn phấn đấu để điểm trung bình môn thi cao nhất có thể để cải thiện thứ hạng trong cụm và thành phố.
Với sự quyết tâm, vượt khó của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp; trong những năm gần đây tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường đạt 100%, đảm bảo tỷ lệ chung của thành phố; trong đó điểm trung bình môn Toán ngày càng được tăng lên.
Trong khi đó, cô Trần Thị Ngọc Bích - giáo viên trường THPT Yên Hòa bày tỏ tin tưởng các học sinh nhà trường lựa chọn thi tốt nghiệp THPT với bộ môn Tin học sẽ đạt được kết quả tốt ngay từ năm học đầu tiên dự thi, đồng thời chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ôn tập, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhấn mạnh về những điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường nghiên cứu kỹ nội dung quy chế, có định hướng và tư vấn đúng, trúng cho học sinh; qua đó kêu gọi tinh thần quyết tâm cao của các nhà trường trong nâng cao chất lượng dạy và học để đạt kết quả cao hơn nữa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.