Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có nhiều câu hỏi lấy từ tình huống thực tế

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đây cũng là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thi theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới cả về số lượng môn thi, đề thi, cách thức tính điểm…

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi với VOV.VN về những điểm mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT và công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm tới.

PV: Thưa ông, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thi theo chương trình mới, như vậy đề thi sẽ có những điểm khác biệt nào về kiến thức cũng như cách thức ra đề thi?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)

GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

PV: Về công tác tổ chức kỳ thi năm tới có những điểm mới nào, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Kỳ thi được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo Kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học và cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 để tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ cuối năm 2023; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh.

Bộ cũng đã tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vị rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi…

Để có hành lang pháp lý cho tổ chức kỳ thi, ngày 24/12/2024, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

So với những năm trước, việc công bố đề thi tham khảo, quy chế thi, các công tác chuẩn bị khác đều được Bộ GD-ĐT thực hiện sớm hơn, xa hơn với tinh thần tích cực và kỹ lưỡng.

Đặc biệt, từ năm 2025, tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (kể cả thí sinh tự do, các năm trước đăng ký bản giấy).

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ thí sinh phải nộp đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.

Năm 2025, lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng. Đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.

PV: Như ông vừa chia sẻ, đề thi năm tới sẽ bám sát Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới cả về cách thức ra đề và nội dung thi, vậy với những thí sinh tự do đã thi những trước, năm tới muốn thi lại liệu có ảnh hưởng quyền lợi, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Trong Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể, trong năm 2025 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).

Các thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hoặc đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 20225 cũng có những thay đổi về việc quy đổi điểm chứng chỉ Ngoại ngữ, cộng điểm nghề, xin ông cho biết thêm về những điểm mới này?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm tốt nghiệp THPT.

Thí sinh sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học THPT tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.

Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm, quyền lợi thí sinh cơ bản được giữ ổn định như quy định trước đây, nhất là các năm 2023, 2024. Với quy định mới, thí sinh cũng cần lưu ý một số nội dung.

Cụ thể, khi dự thi bài thi tự chọn thí sinh phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi thi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ thi bài thi tự chọn (kết thúc cả 2 môn thi tự chọn). Trước đây thí sinh chỉ thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn thì có thể đến trước giờ thi môn thi thứ hai 15 phút. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh phải đến ngay từ đầu buổi thi.

Thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.

Do số lượng môn thi trong kỳ thi tăng so với trước đây và thí sinh được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn do đó việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới.

Trong quá trình xây dựng quy chế thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như bóc đề thi, phát đề thi, thu bài thi cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi.

Những khó khăn phức tạp này sẽ chỉ ở cấp quản lý và trong ngành giáo dục, còn đối với thí sinh thì mọi cách thức sẽ được triển khai bảo đảm thuận lợi hơn, dễ dàng hơn so với những năm trước đây.

Ví dụ từ năm 2024 trở về trước, các thí sinh có thể phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi, điều này gây khó khăn và vất vả cho thí sinh trong việc theo dõi. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định duy nhất trong suốt các buổi thi.

PV: Ông có lưu ý gì với thí sinh trước một kỳ thi có rất nhiều điểm mới như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước, Bộ GD-ĐT đã có các bước chuẩn bị từ sớm, từ xa, tích cực và kỹ lưỡng. Những chuẩn bị này cũng là để hướng tới một kỳ thi thuận lợi nhất cho thí sinh.

Đối với các thí sinh, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, các em cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.

Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.

Ngoài ra, đây là giai đoạn quan trọng, nhưng cũng dễ gây căng thẳng. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-se-co-nhieu-cau-hoi-lay-tu-tinh-huong-thuc-te-post1145061.vov
Zalo