Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến mở 2 ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Với việc mở hai ngành đào tạo mới là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM định hướng trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực.
Chiều 27-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên, biên tập viên trong phối hợp công tác truyền thông năm 2024.
Tại đây, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM ghi nhận và cảm ơn những hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan báo chí trong sự phát triển của trường thời gian qua.
Nhờ sự phối hợp này cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể trường trong những năm qua, trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể như trường hoàn thành việc tái cơ cấu bộ máy quản trị theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Trường có nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ, như ban hành Quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có học hàm, học vị cao; nhiều hoạt động chăm lo cho viên chức, người lao động.
Công tác tuyển sinh của trường cũng tăng về quy mô và chất lượng ở tất cả các ngành, các hệ đào tạo. Trường tăng cường cơ sở vật chất và đặc biệt xác định lấy người học là trung tâm để đầu tư, thực hiện đa dạng các hoạt động chăm lo cho người học, như đưa vào hoạt động ký túc xá dành cho sinh viên, duy trì và gia tăng các chính sách học bổng khuyến khích học tập....
Cạnh đó, trường còn đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, gia tăng các công bố quốc tế; tăng các chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Định hướng hoạt động năm 2025, Tiến sĩ Lê Trường Sơn cho biết trường tiếp tục giữ vững đoàn kết nội bộ, kiện toàn các thiết chế bộ máy lãnh đạo. Trường sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Theo Tiến sĩ Sơn, ba trụ cột quan trọng để thực hiện thành công chiến lược phát triển của trường là đội ngũ giảng viên giỏi, sinh viên giỏi và đội ngũ quản lý, nhân viên giỏi.
Trường sẽ tăng quy mô đào tạo về cả số lượng và chất lượng. Đáng chú ý, năm 2025, trường dự kiến mở hai ngành học mới là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.
Theo Tiến sĩ Sơn, việc mở hai ngành học này và tiến tới đào tạo một số ngành ngoài ngành Luật để thực hiện định hướng của trường trở thành trường đại học đa ngành đa lĩnh vực.
Tiến sĩ Sơn cũng cho biết năm 2025 Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng cơ sở 3 tại TP Thủ Đức và đảm bảo mọi điều kiện, chính sách để sinh viên học tập tốt, phụ huynh yên tâm.
Trường sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, dữ liệu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của trường; Tăng cường đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cốt lõi cho giảng viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế…
Ngoài ra, trường tiếp tục chủ động phối hợp, làm tốt công tác truyền thông trong nội bộ lẫn bên ngoài, nhằm định hướng chính sách, gia tăng niềm tin của xã hội về phát triển giáo dục đại học và nâng cao vai trò của giáo dục đại học đối với phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Phụ trách đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế. Đồng thời chuẩn bị để xin chủ trương mở mới ngành đào tạo Luật kinh tế.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển
Theo Thạc sĩ Hiển, trường dự kiến tăng chỉ tiêu từ 3.210 chỉ tiêu lên 4.000 chỉ tiêu và dự kiến giữ nguyên các phương thức xét tuyển như năm 2024. Cụ thể:
Phương thức 1: tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.
Phương thức 2: xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường
Phương thức 3: xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, phương thức 1 và phương thức 2 chiếm 45% tổng chỉ tiêu; Phương thức 3 là 55% tổng chỉ tiêu.