Nhật Bản bước vào phiên đấu thầu gạo dự trữ lần thứ 3 trong lúc thiếu gạo
Hôm nay (23/4), Chính phủ Nhật Bản chính thức tổ chức phiên đấu thầu gạo dự trữ lần thứ 3 trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu gạo đáng báo động. Bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng giá gạo trên thị trường khiến Chính phủ phải tung ra nhiều biện pháp mạnh tay.
Trong phiên đấu giá gạo dự trữ lần 3 này, Chính phủ Nhật Bản sẽ tung ra thị trường khoảng 100.000 tấn gạo được thu hoạch trong vụ mùa năm 2023, trong đó chủ yếu gồm các thương hiệu gạo như “Masshigura” từ tỉnh Aomori và “Haenuki” từ tỉnh Yamagata… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân phối gạo đồng đều trên cả nước.
Trong đợt mở thầu này, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23 - 25/4. Theo đó, nếu trong hôm nay không bán được hết 100.000 tấn gạo, các phiên đấu giá sau đó sẽ được tổ chức lại vào các ngày 24, hoặc 25 theo hệ thống tương tự.

Người dân Nhật Bản tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng gạo và thiếu nguồn cung trên thị trường (Ảnh: NHK)
Trước đó vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành hai đợt đấu giá khác và tung ra thị trường tổng cộng khoảng 212.000 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia. Một phần trong số này đã được bày bán tại các siêu thị từ cuối tháng 3. Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy giá gạo trung bình tại các siêu thị trên toàn quốc vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Theo đó, giá gạo trung bình trong tuần kết thúc vào ngày 13/4 vừa qua là 4.217 yên cho 5 kg, tăng 3 yên so với tuần trước đó, đánh dấu tuần tăng giá thứ 15 liên tiếp. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào tháng 3/2022.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã quyết định cho phép những người bán buôn được trao đổi gạo dự trữ với nhau, điều trước đây chưa từng xảy ra, nhằm mục đích khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân phối gạo.

Gia gạo tại Nhật Bản tiếp tục tăng tuần thứ 15 liên tiếp (Ảnh: NHK)
Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo đáng báo động, cùng với giải pháp giải phóng gạo dự trữ hàng tháng cho đến mùa hè năm nay, Chính phủ Nhật Bản cũng triển khai nhiều biện pháp được cho là mạnh tay, như nhập khẩu gạo Hàn Quốc lần đầu tiên sau 25 năm, đồng thời có thể thúc đẩy tăng cường nhập khẩu gạo của Mỹ liên quan cuộc đàm phán thuế quan song phương.
Theo giới chuyên môn, cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản được cho là mở ra những cơ hội xuất khẩu tiềm năng không chỉ đối với các nhà sản xuất có tính truyền thống của Nhật Bản, như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan…, mà đây còn là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.