Giá vàng thế giới rơi tự do trong phiên tối 23/4, bốc hơi từng phút
Giá vàng thế giới lao dốc trong phiên tối 23/4 (giờ Việt Nam), giảm khoảng 230 USD so với mức đỉnh được thiết lập trong phiên liền trước
Giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/4 trên thị trường New York (đêm 23/4 giờ Việt Nam), mất thêm khoảng 100 USD/ounce sau khi đã giảm hơn 100 USD trước đó.
Tính đến 21h tối 23/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay rơi xuống mức 2.270 USD/ounce (tương đương khoảng 104 triệu đồng/lượng), giảm 6,6% so với mức đỉnh 3.500 USD/ounce (tương đương hơn 111 triệu đồng/lượng) được thiết lập vào chiều 22/4.
Như vậy, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã giảm tổng cộng 230 USD/ounce so với đỉnh, tương đương mức giảm khoảng 7 triệu đồng mỗi lượng.
Đây là một trong những cú lao dốc lịch sử hiếm hoi trong vòng một ngày.
Vàng giảm giá từng phút trong bối cảnh áp lực bán ra tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo chiều cho biết mức thuế quan cao mà Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm đáng kể.
Giá vàng SJC có thể giảm mạnh vào sáng 24/4. Ảnh: HH
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã rút lại lời tuyên bố dọa sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, sau nhiều ngày liên tục chỉ trích vị lãnh đạo ngành tài chính quyền lực nhất thế giới vì không nhanh chóng hạ lãi suất.
Ông Trump khẳng định không có ý định sa thải ông Powell, nhưng nhấn mạnh rằng Chủ tịch Fed nên “tích cực hơn nữa trong việc giảm lãi suất”.
Ở một diễn biến khác, căng thẳng tại Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sẵn sàng thỏa hiệp, hạ thấp một số điều kiện để tiến tới lệnh ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine.
Dù giảm sâu, giá vàng thế giới vẫn đang cao hơn khoảng 58,5% (tương đương 1.207 USD/ounce) so với đầu năm 2024 và tăng khoảng 24,6% so với đầu năm 2025.

Giá vàng thế giới lao dốc. Nguồn: KC
Trong nước, đến cuối phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng miếng 9999 tại SJC và DOJI được niêm yết ở mức 116,5-119,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm lần lượt 5,5 triệu đồng và 4,5 triệu đồng mỗi lượng so với phiên liền trước.
Với mức giá này, vàng miếng SJC đang cao hơn giá quy đổi từ thị trường thế giới khoảng 15,5 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong đêm 23/4 có thể tạo áp lực lớn lên giá vàng trong nước. Giả sử mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC trong sáng 24/4 có thể giảm thêm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng, về mức khoảng 117 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tiếp tục chịu áp lực từ làn sóng bán chốt lời và bán khống gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì giọng điệu mềm mỏng hơn trong các phát biểu gần đây về Trung Quốc và Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Thêm vào đó, đồng USD tăng giá sau khi Mỹ công bố dữ liệu tích cực về thị trường bất động sản, làm gia tăng sức ép lên giá vàng.
Cụ thể, theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ và Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ, doanh số bán nhà mới trong tháng 3 tăng 7,4%, vượt xa mức dự báo 0,2%, và cũng cao hơn mức tăng 1,8% ghi nhận trong tháng 2.
Hoạt động sản xuất tại Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu ổn định. Chỉ số PMI sơ bộ tăng từ 50,2 trong tháng trước lên 50,7 trong tháng 4, vượt qua kỳ vọng sụt giảm về mức dưới 50 - ngưỡng cho thấy sự thu hẹp hoạt động.