Cục Kế hoạch - Tài chính: Cần xây dựng phương án sắp xếp, sử dụng hiệu quả tài sản, trụ sở của Bộ, ngành Tư pháp

Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã làm việc với Cục Kế hoạch - Tài chính (KH-TC) về nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025. Cục trưởng Cục KH-TC Phan Anh Tuấn cùng dự.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong quý I, tập thể lãnh đạo, công chức Cục KH-TC đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm để triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Cục được thực hiện bài bản, sát sao, đề cao kỷ luật hành chính, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ. Công tác rà soát, tham mưu, hoàn thiện thể chế về công tác KH-TCcủa Bộ được thực hiện thường xuyên, kịp thời cụ thể hóa, triển khai kịp thời, đồng bộ với các quy định của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực công tác có liên quan.

Công tác quản lý ngân sách được thực hiện chủ động, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc của toàn ngành. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện đảm bảo nền nếp, kỷ cương, theo đúng quy định; các tài sản được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác đầu tư công được triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt, chủ động, chặt chẽ, toàn diện, bám sát quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có liên quan, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Bộ, ngành Tư pháp. Công tác kế hoạch, thống kê của Bộ, ngành Tư pháp đã đi vào nền nếp, phục vụ đắc lực cho công tác phân tích, đánh giá, dự báo... giúp cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành sát với tình hình thực tế hơn. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc.

Mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị được thực hiện thường xuyên. Quan hệ phối hợp giữa Đảng ủy, Thủ trưởng đơn vị và các tổ chức chính trị-xã hội thuộc Cục được duy trì thường xuyên, bài bản, vừa bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, vừa huy động được trí tuệ tập thể, tạo được môi trường làm việc văn minh, dân chủ, đoàn kết, chia sẻ, chân thành, thẳng thắn trong Cục.

Tuy có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công việc, song tình trạng quá tải công việc tại các phòng thuộc Cục ngày càng tăng; áp lực lớn đối với đội ngũ công chức tham mưu về công tác quản lý ngân sách, tài sản công, đầu tư công. Việc xây dựng, trình ban hành một số văn bản còn chậm. Khối lượng dự án chưa được quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành do Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ giải thể Ban Quản lý dự án theo yêu cầu.

Tại buổi làm việc, đại diện các phòng, ban, đơn vị đã trao đổi, thảo luận về việc điều chỉnh dự toán khi thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống Thi hành án dân sự (THADS); bổ sung dự toán ngân sách năm 2025 cho Bộ Tư pháp đối với các nhiệm vụ phát sinh (nếu có); bám sát quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có liên quan để bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các đơn vị của Bộ, ngành Tư pháp; trang bị những thiết bị, tài sản đặc thù ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo cơ sở vật chất cho các đơn vị…

Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận buổi làm việc.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, Cục KH-TC phải rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng tài sản, trụ sở, cơ sở nhà đất của Bộ, ngành Tư pháp, từ đó xây dựng phương án sắp xếp, sử dụng hiệu quả. Việc này cần được triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong tháng 4, Cục KH-TC phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng được bức tranh sơ bộ về hệ thống cơ sở vật chất hiện có, làm nền tảng cho việc sắp xếp và đầu tư cải tạo, xây dựng trụ sở cho các đơn vị trong thời gian tới.

Liên quan đến hệ thống THADS toàn quốc, Thứ trưởng yêu cầu việc sắp xếp cơ sở vật chất phải gắn chặt với yêu cầu cải cách bộ máy, tinh gọn tổ chức nhưng vẫn phải bảo đảm tính đặc thù của ngành. Với đặc thù hoạt động bám sát địa bàn dân cư, việc duy trì các điểm tiếp công dân, nơi làm việc tại địa phương là cần thiết, tránh tình trạng người dân phải đi lại xa, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc.

Trong quá trình sắp xếp, các vấn đề tài chính – kế toán, quyết toán và bàn giao tài sản cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Cục KH-TC phải theo sát tiến độ triển khai tại các địa phương, hỗ trợ Tổng cục THADS trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý các khó khăn phát sinh. Cục phải chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả, từ cơ chế thu - chi đến quản lý phí, lệ phí, các hoạt động nghiệp vụ tài chính...

Cục KH-TC tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ tài chính - tài sản của Bộ, ngành Tư pháp, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ những giải pháp chỉ đạo phù hợp, đúng chức năng quản lý nhà nước. Trong triển khai số hóa công tác quản lý tài sản, tài chính, Cục cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS, các đơn vị có liên quan bảo đảm yêu cầu quản lý tập trung, chặt chẽ, an toàn tuyệt đối.

Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, Thứ trưởng yêu cầu Cục theo dõi sát tiến độ các dự án, đảm bảo không chậm tiến độ; các dự án đang thi công phải được giám sát chặt chẽ, không để kéo dài, lãng phí. Thứ trưởng đề nghị Cục chủ động hơn nữa, không chỉ làm nhiệm vụ của đơn vị đầu mối mà còn đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực tế, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược của ngành trong giai đoạn sắp tới.

Về công tác chuyển đổi số, Cục cần tăng cường đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đôỉsố vào công tác quản lý điều hành của đơn vị, đặc biệt lĩnh vực thống kê, báo cáo, quản lý tài chính, ngân sách trong Bộ, ngành Tư pháp.

Thanh Trà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cuc-ke-hoach-tai-chinh-can-xay-dung-phuong-an-sap-xep-su-dung-hieu-qua-tai-san-tru-so-cua-bo-nganh-tu-phap-post546406.html
Zalo