Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vượt 510 tỷ USD

Tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.

Ngày 23/4, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định trong bối cảnh những dịch chuyển sâu rộng đang tái định hình cục diện thương mại toàn cầu, Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà còn là một trong những thị trường tiềm năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.

Với triển vọng dài hạn tích cực, ông Lim Dyi Chang cho rằng ASEAN vẫn giữ vững vị thế là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đặc biệt nổi bật với dân số trẻ, lực lượng lao động giàu kỹ năng công nghệ và mạng lưới thương mại nội khối ngày càng gắn kết.

"Trong đó, Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN," ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.

Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Lim Dyi Chang cho rằng Việt Nam cần chuyển mình từ một quốc gia tiếp nhận vốn đơn thuần thành một đối tác chiến lược, chủ động tạo ra giá trị.

"Đặc biệt, thành công của chiến lược FDI không chỉ được đo bằng lượng vốn thu hút, mà quan trọng hơn là hiệu quả mà dòng vốn đó mang lại, qua việc nâng cao năng lực ngành, phát triển cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực," ông chia sẻ.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Cung cấp thêm thông tin về vốn FDI tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Trung lưu ý chỉ có khoảng 5% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam được đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.

"Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị," Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhận định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Một trụ cột quan trọng trong nâng tầm chất lượng FDI chính là đội ngũ nhân lực trong nước. Theo đại diện Bộ Tài chính, lực lượng lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp FDI đều là những nguồn lao động tinh túy. Đặc biệt, nhiều chuyên gia Việt Nam hiện đã và đang đảm nhận các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy Việt Nam có một môi trường tốt và phù hợp cho các doanh nghiệp FDI.

"Việt Nam đang có một môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI," đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Dù Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương lớn nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI, song theo đánh giá, sau 5 năm thực thi, kết quả vẫn còn khiêm tốn, nhất là trong việc chuyển dịch sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại những vấn đề cố hữu, mang tính then chốt trong nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả thu hút đầu tư.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ cải cách thể chế, hiện đại hóa hành chính là điều kiện tiên quyết. Về phía cơ quan chuyên trách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục thuế, hải quan và hành chính liên quan đến đầu tư theo hướng tự động hóa, số hóa, minh bạch và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

"Chúng tôi quyết tâm cải cách sâu rộng ở nhiều khâu, từ chính sách thuế, thủ tục hải quan đến các quy trình đầu tư. Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam," đại diện Bộ Tài chính cam kết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ kỳ vọng rằng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam sẽ kiến tạo được một môi trường đầu tư cạnh tranh, hiện đại, hiệu quả, không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả khối doanh nghiệp FDI đã, đang và sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-von-fdi-dang-ky-vao-viet-nam-vuot-510-ty-usd-40763.html
Zalo