Đức đối mặt năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng bằng 0

Quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu đang đối mặt với năm thứ ba liên tiếp trì trệ kinh tế sau đợt tăng thuế quan mới nhất của Mỹ.

Chính phủ Đức được cho là đã cắt giảm dự báo GDP để ứng phó với việc tăng thuế quan của Mỹ và những bất ổn về chính sách thương mại của Washington. Trong ảnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Đức được cho là đã cắt giảm dự báo GDP để ứng phó với việc tăng thuế quan của Mỹ và những bất ổn về chính sách thương mại của Washington. Trong ảnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ báo kinh tế Đức, Handelsblatt dẫn một dự báo nội bộ của chính phủ nước này cho biết, quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu đang đối mặt với năm thứ ba liên tiếp trì trệ kinh tế sau đợt tăng thuế quan mới nhất của Mỹ và sự bất định ngày càng tăng về chính sách thương mại của Washington.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 20% đối với tất cả hàng hóa của EU và 25% đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu để giải quyết tình trạng mà Washington gọi là thương mại không công bằng. Trong khi Brussels chuẩn bị mức thuế trả đũa 25%, thì sau đó ông Trump đã tạm dừng hầu hết các mức thuế đối ứng mới trong 90 ngày để mở đường cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, mức thuế cơ sở 10% và mức thuế mục tiêu 25% vẫn được áp dụng.

Theo báo cáo, chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Olaf Scholz đã điều chỉnh dự báo GDP năm 2025 của Đức xuống 0%, giảm so với mức 0,3% vào tháng 1. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất EU không tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp, sau khi đã suy giảm vào năm 2023 và 2024. Chính phủ kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khiêm tốn vào năm 2026, với mức tăng trưởng hiện được dự báo là 0,9%, giảm so với ước tính trước đó là 1,1%.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang của Đức cho thấy Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của nước này vào năm ngoái, khiến tác động của thuế quan trở nên đặc biệt đáng kể.

Các nguồn tin cho biết sự bất ổn về chính sách thuế quan đã khiến các công ty Đức trì hoãn đầu tư cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn, dẫn đến sự thay đổi trong các dự báo. Các nguồn tin lưu ý rằng nếu áp dụng toàn bộ mức thuế 20% với các loại hàng hóa, tăng trưởng của Đức có thể giảm xuống mức thấp hơn nữa. Viện Kinh tế Thế giới Kiel và Viện Ifo ở Munich trước đó ước tính nền kinh tế Đức có thể suy giảm 0,3% trong kịch bản này.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô tô Mercedes-Maybach của Hãng Mercedes-Benz ở Sindelfingen, gần Stuttgart, Đức ngày 4/3/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô tô Mercedes-Maybach của Hãng Mercedes-Benz ở Sindelfingen, gần Stuttgart, Đức ngày 4/3/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hiệu suất kinh doanh kém đã làm tăng thêm sự ảm đạm của nền kinh tế, nhưng các nguồn tin cho biết một số bất ổn có thể giảm bớt do quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ euro (570 tỷ USD) mới được chính phủ phê duyệt và các cải cách đối với phanh nợ. Nguồn tin cũng nói thêm rằng, Sự thay đổi trong ban lãnh đạo có thể mang đến tâm lý lạc quan hơn ở Đức. Thủ tướng sắp nhậm chức Friedrich Merz, người sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước từ tháng 5, đã tuyên bố sẽ khôi phục khả năng cạnh tranh kinh tế của đất nước.

Các nguồn tin nói với Handelsblatt rằng các kết quả tăng trưởng có thể thay đổi tùy thuộc vào những động thái tiếp theo của Tổng thống Trump cũng như kết quả các cuộc đàm phán giữa Brussels và Washington.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trước đó đã đề xuất một thỏa thuận thuế quan "0 đổi 0" đối với hàng hóa công nghiệp giữa EU và Mỹ, nhưng ông Trump từ chối lời đề nghị này, cho là chưa đủ (để tạo “công bằng”) và yêu cầu EU đồng ý mua 350 tỷ USD năng lượng của Mỹ để đổi lấy việc giảm thuế.

Trong cuộc họp tuần trước với Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni, Tổng thống Donald Trump cho biết một thỏa thuận giữa EU và Mỹ sẽ "100 phần trăm" đạt được "vào một thời điểm nhất định", nhưng nói thêm rằng ông "không vội" hoàn tất nó.

Báo cáo nói trên về tăng trưởng kinh tế của Đức được đưa ra theo sau một dự báo ảm đạm từ IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế). Tổ chức này cũng đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2025 của Đức xuống 0,0% trong tuần này, dự đoán rằng đây sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất trì trệ trong năm nay vì các ngành công nghiệp xuất khẩu của nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước căng thẳng thương mại toàn cầu.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/duc-doi-mat-nam-thu-ba-lien-tiep-tang-truong-bang-0-20250423215116491.htm
Zalo