Nhập viện cấp cứu sau khi ăn nhầm sinh vật ở biển chứa chất cực độc

Mặc dù các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, thế nhưng vẫn có những vụ ngộ độc do dùng so biển làm thực phẩm gây ra.

Nhiều vụ ngộ độc phải nhập viện do ăn so biển

Mới đây, chiều tối 9/12, ông N.Q.L. và ông D.N.C. (cùng sinh năm 1978, trú tại huyện Long Điền) cùng ăn hải sản tại quán ốc K. trong đó có món sam biển nướng. Đến 23 giờ cùng ngày, ông L. có triệu chứng tê buốt răng miệng, xây xẩm mặt mày và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

Khi vào viện, ông L. lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Trong khi đó, ông C. bị đau bụng, nôn ói. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Kết quả chuẩn đoán 2 trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm so biển.

Theo các bác sĩ, nhiều người do chưa phân biệt được con so biển và con sam biển nên đã ăn nhầm dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì trong con so biển có chứa chất tetrodotoxin cực độc.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp cứu thành công một trường hợp ngộ độc so biển. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp cứu thành công một trường hợp ngộ độc so biển. Ảnh: BVCC

Điểm khác nhau nổi bật nhất giữa sam biển và so biển đó là đuôi. Đuôi con sam biển khi cắt ngang có tiết diện hình tam giác, 3 cạnh chụm lại kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa. Ngược lại đuôi so biển có tiết diện tròn hoặc bầu dục khi cắt ngang và không hề có gai nhọn.

Ngày 11/12, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bà Rịa tích cực điều trị, hỗ trợ cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản tại quán ốc K. (TP Bà Rịa).

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ốc K, xác minh thông tin làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Trong những năm qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho rất nhiều trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin có trong so biển, bạch tuộc vòng xanh... do nhầm lẫn hoặc chủ ý ăn các món chế biến từ các loại hải sản này.

Trước đó, BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và cấp cứu cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn nhầm con so biển tại một quán hải sản ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, 3 bệnh nhân trên là nhân viên tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có địa chỉ tại đường Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Các bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc với độc tố tự nhiên có trong con sam/so.

Một vụ ngộ độc nghi do ăn so biển khác cũng đã xảy ra hồi cuối tháng 12/2022 tại Khu phố 2, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre làm 1 người tử vong.

Hay trước đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.B. (40 tuổi, ở Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, lơ mơ sau khi ăn so biển.

Người dân tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm

Viện Hải dương học đã đưa ra khuyến nghị sam/so là loài sinh vật cổ có tốc độ sinh trưởng chậm. Máu của sam biển có thể trích xuất chất phát hiện nội độc tố, so biển chứa độc tố chủ yếu là tetrodotoxins và có thể có một lượng nhỏ saxitoxins. Đây là các chất độc thần kinh, rất độc, tỉ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc giải độc đặc biệt.

Bệnh nhân khi bị ngộ độc cần được hỗ trợ hô hấp và đưa ngay đến trung tâm y tế để chăm sóc kịp thời đến khi độc tố được đào thải. Đồng thời, Viện Hải dương học cũng khuyến nghị nên cấm sử dụng sam/so làm thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, đầm nước mặn và các cửa sông, có hình dạng giống hệt nhau tuy nhiên nếu ăn phải con so biển sẽ bị ngộ độc do có chứa độc tố tetrodotoxin.

Hằng năm cả nước vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc chết người do ăn trứng so biển. Con sam biển thường phân bố vùng ven biển, sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau.

Mỗi cặp sam thường đẻ rất nhiều trứng do đó người ta thường bắt sam để lấy trứng ăn là chính. Sam trưởng thành nặng 1,5-2 kg. Chúng có vỏ cứng mình tròn vẹt, chiều dài khoảng 30 cm, dưới bụng có tám chân càng nhỏ, đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, có gai trên gờ đuôi, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình tam giác.

Sở hữu hình dạng giống sam biển, song ăn so biển có thể chết người do chứa độc tố tetrodotoxin.

Sở hữu hình dạng giống sam biển, song ăn so biển có thể chết người do chứa độc tố tetrodotoxin.

Trong khi đó, so biển là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển và nơi các dòng sông lách nước ngọt. Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20-25cm, không kể đuôi. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình tròn, không có gai trên gờ đuôi.

Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy. Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20-30 phút và chỉ mấy giờ sau khi ăn các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, nạn nhân tử vong nhanh chóng. Liều tử vong đối với người là 1-2 mg độc chất tetrodotoxin.

Để phòng, chống ngộ độc, chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-nham-sinh-vat-o-bien-chua-chat-cuc-doc-169241211215326117.htm
Zalo