'Hạt mầm khát vọng' đã nở hoa

10 năm lấy nhau, 7 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), 5 lần thất bại, một lần mang thai đến 26 tuần buộc phải sinh non vì vỡ tử cung, đứa bé rời xa cha mẹ mãi mãi sau 2 ngày chào đời. Gần 10 năm tận cùng của khổ đau, người vợ từng bị trầm cảm, không có được nụ cười, nhưng họ vẫn không ngừng khát vọng đi tìm con.

Cuối cùng, trên hành trình đầy khó nhọc, hạt mầm đã nở hoa, mang lại hạnh phúc vô bờ cho cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn. Ba năm qua, chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa đã miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm cho 30 cặp vợ chồng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, đóng quân ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi, đón được 29 em bé chào đời khỏe mạnh.

Hành trình “tìm con”

Cặp vợ chồng quân nhân tìm con suốt 10 năm qua là Đại úy Ngô Văn Cường và chị Nguyễn Thị Hạnh, cùng công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng (đóng tại Nghệ An). Gặp lại vợ chồng nữ Đại úy tại chương trình “Hạt mầm khát vọng” do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, tôi thực sự mừng cho họ sau hành trình gian nan suốt 10 năm tìm con.

Bế bé gái hơn 6 tháng tuổi trên tay đến tham gia chương trình, người phụ nữ gầy gò, ánh mắt đỏ hoe kể: “Hai năm trước, cũng trên sân khấu này, khi đó tôi vô cùng tuyệt vọng sau 8 năm vô sinh. Bao khó khăn cũng vì con mà vượt qua tất cả. Năm 2018, lần thụ tinh thứ 3 thành công, được nghe nhịp tim đập của con tôi thấy rất hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc đó đã rời xa với vợ chồng mình khi mất con”.

Sau nhiều gian nan trên hành trình 10 năm chữa vô sinh, vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường đã có được đứa con yêu.

Sau nhiều gian nan trên hành trình 10 năm chữa vô sinh, vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường đã có được đứa con yêu.

Lấy nhau từ năm 2014, một thời gian dài không có con, vợ chồng chị đi khám phát hiện anh Cường tinh trùng yếu. Chạy chữa khắp nơi, 3 lần làm IVF thì 2 lần chuyển phôi thất bại, lần thứ 3 mới thành công. Tin vui này làm hai bên gia đình nội ngoại đều vui mừng. Ở Hà Nội theo dõi thai được 5 tháng, chị Hạnh gọi điện cho chồng muốn về nhà. Vào tháng thứ 6 của thai kỳ, trong một đêm, chị Hạnh đau bụng dữ dội, anh Cường tức tốc đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc cách nhà 10km cấp cứu. Siêu âm có dịch trong ổ bụng, phải cấp tóc chuyển bệnh nhân ra TP Vinh. Anh Cường ôm vợ suốt chặng đường dài 100km và chỉ biết cầu nguyện cho hai mẹ con bình an. Nhưng tới nơi, vợ anh được chẩn đoán có nguy cơ vỡ tử cung, buộc phải sinh non.

Với anh Cường, ký ức về đêm cấp cứu đó mãi là nỗi đau không thể nào quên. Người cha ôm đứa bé mới 26 tuần tuổi sang Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để nằm lồng ấp với hy vọng con sẽ kiên cường vượt qua cửa ải sinh - tử. Nhưng vì sinh quá non tháng, 2 ngày sau, vào lúc rạng sáng, người cha sụp đổ khi nhận được điện thoại của bác sĩ nói tim con đã ngừng đập.

Mất con, người mẹ rơi vào trầm cảm. Suốt 4 năm sau đó, họ không có tiền để tiếp tục làm IVF, mẹ chị Hạnh lại mắc căn bệnh ung thư, cuộc sống khó khăn chồng chất. Trong lúc tuyệt vọng, năm 2022, vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường nhận được tin mình là 1 trong 10 cặp vợ chồng quân nhân được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí, hai vợ chồng ôm nhau khóc, lại nhen nhóm niềm hy vọng.

Điều kỳ diệu đã đến

Ở chặng đường tìm con lần này, vợ chồng quân nhân lại tiếp tục trải qua nhiều lần khổ đau. Lần chuyển phôi miễn phí thất bại. Hai vợ chồng vay mượn để tiếp tục làm IVF. “Lần thất bại thứ hai chúng tôi rất nản, vì tiền không có nữa, định dừng lại. Nhưng bác sĩ Hiền (ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) động viên các em cứ cố gắng đi, có các chị ở đây rồi. Bệnh viện có chương trình hỗ trợ giảm 30-50% cho hai vợ chồng, chúng tôi lại quyết tâm đi tìm con”, anh Cường chia sẻ.

Hai cặp vợ chồng quân nhân chia sẻ hạnh phúc ngọt ngào khi có được những đứa con.

Hai cặp vợ chồng quân nhân chia sẻ hạnh phúc ngọt ngào khi có được những đứa con.

Dù liên tiếp thất bại, tài sản chẳng còn gì với món nợ chồng chất, cơ thể chị Hạnh gầy yếu vì mỏi mệt, có những lúc vùng vẫy trong tuyệt vọng, kiệt quệ cả tinh thần và kinh tế, nhưng có lẽ, niềm khát khao có con là thiên chức thiêng liêng của người mẹ, nên dù vất vả tới đâu, dù cơ thể có lúc tưởng không trụ nổi, song chị Hạnh vẫn vượt qua. Ở lần chuyển phôi thứ 4 tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn và cũng là lần chuyển phôi thứ 7 trong hành trình dài tìm kiếm con, chị Hạnh đã có thai.

Anh Cường phải xin đơn vị nghỉ việc để ra Hà Nội chăm sóc vợ. Quá trình mang thai của chị Hạnh cực kỳ khó khăn, vì có tiền sử vỡ tử cung, chị liên tục bị dọa sinh non. ThS.BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: “Tiền sử sinh non và vỡ tử cung là một trong những khó khăn và đặt ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ chuyên môn bệnh viện trong quá trình điều trị cho hai vợ chồng. Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng của bạn Hạnh suy giảm, làm cho số lượng cũng như chất lượng phôi suy giảm theo, do đó, quá trình điều trị phức tạp hơn và kéo dài hơn trường hợp khác”.

Khi thai được 26 tuần, chị Hạnh phải chuyển sang nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. “Cầm giấy chuyển viện trên tay, dòng chữ của bác Hiền tiếp tục giảm 50% chi phí cho đồng chí Cường, tổng cộng là 90%, tôi rưng rưng nước mắt. Nếu không có những hỗ trợ này, chúng tôi không thể có mụn con hôm nay”, anh Cường nhớ lại.

Kể về chặng đường vừa qua, người quân nhân không khỏi thảng thốt giật mình, bởi có rất nhiều lần anh hoảng sợ trước nguy cơ thai khó giữ. “Suốt 3 tháng chăm vợ ở Hà Nội, đến ngày giỗ con, tôi bắt xe về quê. Vừa về tới nhà vợ gọi điện nói “em đau bụng lắm”. Lúc đó tôi lo lắm, chỉ kịp thắp hương cho con là ra ngay. Bác sĩ nói nếu không qua được thì phải mổ cấp cứu khi con 32 tuần. May thay cô ấy vượt qua được, nhưng lại bị cúm B, tôi không dám ngủ suốt hai ngày hai đêm chỉ canh bên cạnh lau người nước ấm cho vợ giảm sốt…”, anh Cường kể.

Các gia đình quân nhân hiếm muộn đã có được trái ngọt sau nhiều năm chờ đợi từ chương trình “Hỗ trợ quân nhân - Yêu thương lan tỏa”.

Các gia đình quân nhân hiếm muộn đã có được trái ngọt sau nhiều năm chờ đợi từ chương trình “Hỗ trợ quân nhân - Yêu thương lan tỏa”.

Giữ thai được đến tuần thứ 37, chị Hạnh phải mổ cấp cứu lấy thai. Người cha lo lắng đứng ngoài chờ đợi. Giây phút nhìn thấy con, một bé gái xinh xắn nặng 2,6kg, bồng con trên tay, anh Cường bật khóc nghẹn ngào. “Giây phút đó hạnh phúc lắm, cảm thấy mình đạt được mơ ước từ rất lâu”, chàng quân nhân rơm rớm nước mắt nhớ lại. Còn chị Hạnh, người phụ nữ kiên cường bé nhỏ nói rằng, hạnh phúc đã trở lại với vợ chồng họ, kết thúc hành trình 10 năm đằng đẵng mong mỏi. Bây giờ có con, đi đâu cũng chỉ muốn về, căn nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. “Năm ngoái vợ chồng tôi còn nợ 500 triệu, giữa năm vừa rồi trả được 200, cố gắng hết năm nay trả thêm 100 triệu nữa. Có con là có tất cả, chúng tôi sẽ mau trả hết nợ thôi”, anh Cường vui vẻ chia sẻ.

Nhiều quân nhân hiếm muộn chờ cơ hội

Tại chương trình “Hạt mầm khát vọng”, chúng tôi gặp rất nhiều quân nhân hiếm muộn công tác ở hải đảo hay vùng biên giới xa xôi đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ. Vợ chồng Đại úy Hoàng Văn Phong (SN 1994, công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1, đóng quân tại Lạng Sơn) và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (SN 1996) đón cặp song sinh là 2 bé trai đầy kỳ diệu.

Vợ chồng Đại úy Hoàng Văn Phong hạnh phúc với cặp song sinh sau 5 năm hiếm muộn.

Vợ chồng Đại úy Hoàng Văn Phong hạnh phúc với cặp song sinh sau 5 năm hiếm muộn.

Vợ chồng chàng Đại úy trẻ từng nhiều lần nuốt nước mắt vào trong khi bởi những lời xì xào của hàng xóm, bạn bè khi lấy nhau 5 năm vẫn chưa có con. Mỗi lần bên nhà nội đánh tiếng “Để thằng Phong đi lấy vợ khác”, chàng Đại úy lại càng thương vợ hơn. Đi khám Phong mới biết mình tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ, còn vợ bị polyp buồng tử cung. Bác sĩ tư vấn, muốn có con cần can thiệp hỗ trợ sinh sản.

May mắn thay, Phong là 1 trong 10 cặp vợ chồng được nhận gói hỗ trợ IVF miễn phí từ chương trình “Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa” năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. May mắn hơn, ở lần chuyển phôi vợ chồng họ đã “trúng số”. Ban đầu bác sĩ chọn đặt 1 phôi, thật kỳ diệu, khi vào làm tổ, 1 phôi tách ra làm 2. Nhận tin có song thai, vợ chồng chàng Đại úy vừa mừng, vừa lo. Thế rồi, vượt qua khó khăn, hạnh phúc đã đến khi hai bé trai song sinh chào đời Hoàng Minh Đức và Hoàng Minh Lộc vào ngày 11/10 vừa qua. “Em đặt tên cho bé thứ hai là Lộc, cũng bởi vì điều kỳ diệu trên”, Phong chia sẻ.

Hiện nay, toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.

BS Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: “Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các gia đình hiếm muộn, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính luôn là những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài. Đặc biệt với quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm. Chính vì vậy chúng tôi rất muốn được chia sẻ, hỗ trợ các gia đình để hành trình tìm con thuận lợi hơn. Năm nay, chương trình lại tiếp tục trao gói IVF miễn phí cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn, lại thêm rất nhiều hy vọng tìm được con cho các gia đình quân nhân”.

Trần Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/hat-mam-khat-vong-da-no-hoa-i752960/
Zalo