Điểm tựa cho nạn nhân da cam

Vượt lên nỗi đau khi chứng kiến người thân là nạn nhân chất độc da cam, những người vợ, người mẹ đã âm thầm chịu đựng, quyết tâm vượt qua khó khăn, cố gắng chăm sóc chồng con, trở thành điểm tựa cho họ.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi (sinh năm 1944, ngụ khu phố 2, phường IV, thành phố Tây Ninh) nhập ngũ năm 1961, đến năm 1976 về hưu với tỷ lệ thương tật 61% và những di chứng từ chất độc da cam. Kể từ đó, bà Phạm Thị Huỳnh (sinh năm 1950), vợ của ông Nhi, phải cố gắng chèo chống nuôi gia đình vượt qua những ngày gian khó.

Bà Huỳnh nói: “Trong khoảng thời gian ấy, tôi kiên trì làm nhiều công việc để nuôi con, chăm chồng. Tôi tự nhủ gia đình mình vẫn còn may mắn khi các con trưởng thành không bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ba, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng”.

Thời gian đầu, ông Nhi còn khỏe, có thể gượng đi lại trong nhà, nhưng từ năm 2000 đến nay do tuổi cao, sức yếu và ảnh hưởng của chất độc da cam nên phải nằm một chỗ. Toàn bộ sinh hoạt hằng ngày của ông từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều do bà Huỳnh chăm sóc.

Vợ chồng đồng lòng, cố gắng vượt qua khó khăn.

Ông Nhi ngậm ngùi nói: “Gần hết cuộc đời, bao nhiêu vất vả vợ của tôi đều phải vượt qua một mình. Hiện tại là lúc sống vui sống khỏe cùng con cháu nhưng vì tôi mà bà ấy còn phải vất vả hơn. Dù thương và xót vợ nhưng tôi không thể giúp được gì, những hôm thời tiết thay đổi bản thân phải gắng gượng để bà ấy đỡ lo”.

Theo bà Nguyễn Thị Rọi- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường IV, hơn 70 tuổi, bà Phạm Thị Huỳnh đã trải qua khoảng thời gian dài với những nỗi đau, sự vất vả vì chồng, vì con. Tuy nhiên, bà Huỳnh vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, lối sống tích cực, mạnh mẽ trở thành chỗ dựa cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1939), ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành có chồng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau đó bị nhiễm chất độc da cam. Lần lượt 4 người con của ông bà cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên tinh thần không được tỉnh táo, không thể tự lo cho bản thân. Chồng bà Mai là thương binh, nạn nhân chất độc da cam nên sức khỏe yếu. Nhiều năm qua, bà phải tảo tần sớm hôm để lo cho gia đình. Năm 2014, do tuổi già, sức yếu, chồng mất để lại một mình bà chăm sóc 4 người con.

“Tôi rất buồn trước hoàn cảnh của gia đình nhưng gắng gượng sống tiếp, lo cho các con. Tôi phải cố gắng vượt qua, quyết không chùn bước, mạnh mẽ để còn chăm sóc các con”- bà Mai nói.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã An Cơ, hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Mai rất khó khăn. Chính quyền địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để gia đình bà có cơ hội vượt qua khó khăn.

Đằng sau câu chuyện về nỗi đau da cam luôn chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ.

Trường hợp của bà Mai Thị Xinh (sinh năm 1969) ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cũng vô cùng vất vả, hy sinh thầm lặng để chăm sóc chồng và hai người con là nạn nhân chất độc da cam. Sau khi chồng tham gia kháng chiến trở về, vợ chồng bà sinh được 2 người con (một trai, một gái) đều bị nhiễm chất độc da cam. Người con trai đã mất vào năm 2017, còn người con gái tinh thần không tỉnh táo, không thể tự chăm sóc bản thân.

Bà Xinh chia sẻ: “Những năm qua chưa đêm nào tôi ngủ ngon, có đêm vừa nằm xuống, nghe tiếng la hét của con lại thức giấc. Khó khăn là thế nhưng tôi không nỡ bỏ con mà không lo, phải cố gắng vượt lên số phận. Mong sao bản thân còn sức khỏe để chăm sóc cho con”.

Đằng sau những câu chuyện về nỗi đau da cam luôn chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của người mẹ, người vợ, dành hết công sức, tình thương để chăm sóc chồng con. Với họ, sự thông cảm, sẻ chia của cộng đồng là động lực để vững tin hơn trên chặng đường phía trước.

Phương Thảo - Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/diem-tua-cho-nan-nhan-da-cam-a182725.html
Zalo