Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt trường ca mới
Trường ca mới của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là sự hòa quyện của thi ca và hội họa. Tác phẩm có tựa đề 'Lò mổ' ra mắt cùng bộ tranh 'Nguyện cầu' do chính ông sáng tác.
Ngày 15-2, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ra mắt trường ca “Lò mổ” và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” gồm 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
![Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về trường ca và bộ tranh của mình. Ảnh: Thụy Du](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51483749/f9baa81d9b53720d2b42.jpg)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về trường ca và bộ tranh của mình. Ảnh: Thụy Du
Tác giả cho biết, trường ca “Lò mổ” được ông hoàn thành vào năm 2016, song ý tưởng đã bắt đầu từ khi ông còn trẻ. Đây không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại.
“Tôi mong muốn, khi độc giả tiếp cận với “Lò mổ”, họ cũng sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường xung quanh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
![Trường ca "Lò mổ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Thụy Du](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51483749/0a925a35697b8025d96a.jpg)
Trường ca "Lò mổ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Thụy Du
Trường ca “Lò mổ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày 155 trang, với 18 chương. Khác với những tác phẩm thơ, trường ca trước đây của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Lò mổ” thay đổi nhiều về thi pháp, ngôn ngữ và cả hình thức. Trường ca này kết hợp rất nhiều thể loại, từ thư từ, bản nháp, cho đến biên bản và đối thoại, đôi khi là những đoạn đối thoại tưởng chừng rời rạc, nhưng lại có một sự liên kết rất tự nhiên.
Đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ XX. “Lò mổ” không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà đằng sau đó là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người trong đó, dù ở trong cảnh tối tăm, uất ức, nhưng vẫn cố gắng giữ lại chút gì đó là nhân bản, là niềm tin vào một ngày mai.
![Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao đổi về trường ca mới. Ảnh: Thụy Du](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51483749/b4a9e30ed040391e6051.jpg)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao đổi về trường ca mới. Ảnh: Thụy Du
Trường ca “Lò mổ” có cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Mỗi chương trong “Lò mổ” được tượng trưng bằng một bức tranh và tất cả đều mang tên “Nguyện cầu”. Theo tác giả, đây là cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình, rằng con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Các bức tranh đều khổ lớn. Tác giả đã kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân. “Nguyện cầu” không chỉ là một bộ tranh đi kèm với “Lò mổ”, mà chính là một phần sống động của tập trường ca này.
“Tôi muốn người đọc không chỉ nhìn tranh, mà còn cảm nhận được những suy tư mà tôi gửi gắm trong mỗi tác phẩm và hy vọng chúng sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật”, nhà thơ cho hay.
![Nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ về trường ca và bộ tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Thụy Du](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51483749/a31af5bdc6f32fad76e2.jpg)
Nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ về trường ca và bộ tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Thụy Du
Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận định: "“Lò mổ” thực sự là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Những trường ca mà ông viết trước đây giờ đã ở lại lưng đèo, nhường lối cho những bước chân dũng mãnh của con tuấn mã phi lên tới đỉnh, đỉnh cao của sự sáng tạo".
Nhà thơ Bruce Weigl (Mỹ) - người dịch “Lò mổ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sang tiếng Anh chia sẻ, trường ca “Lò mổ” là sự tượng trưng hình ảnh mạnh mẽ, đại diện cho một cử chỉ thi ca can đảm vì nó tự lập về mặt tinh thần, nó từ chối đầu hàng những yêu cầu của truyền thống và cho phép người đọc cảm nhận được thế giới trong hình thức gan góc nhất, sự thô sơ của sự thật thể hiện qua cách mà ta không thể bỏ qua.