Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - 'Lò Mổ' của sự chết đi cùng 'Nguyện cầu' cho sự sống!

Giữ nguyên bản thảo từ thời trai trẻ, tác giả hoàn thành vào Noel năm 2016. Và, 9 năm sau, Nguyễn Quang Thiều để nguyên không chỉnh sửa và xuất bản một tác phẩm hội tụ đủ phong cách thơ và tài năng của tác giả.

Tại sao "Lò Mổ" lại đi cùng "Nguyện cầu"?

Tôi thích"Lò Mổ" nhưng không thích "Nguyện cầu" - tôi sẽ trả lời như thế nếu ai đó hỏi tôi về sức hút của Trường ca "Lò Mổ" và bộ tranh mới "Nguyện cầu" của Nguyễn Quang Thiều. Bởi với tôi, chỉ hai từ "Lò Mổ" được đưa vào thơ thôi đã đủ "chấn động"!

Một trang sách trường ca “Lò mổ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: TT

Một trang sách trường ca “Lò mổ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: TT

Đọc "Lò Mổ" của nhà thơ đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bạn đọc như lạc vào một thế giới khủng khiếp, toàn những máu me, dao búa, xác chết, sự giãy dụa, bóng tối... Những hình ảnh không bao giờ nhìn thấy ở thơ, nhưng lại hiện lên cách sống động và lại rất ...đời và rất ...văn học.

Trường ca “Lò mổ” và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: TT

Tác giả nói rằng, đây chỉ là một tập thơ nhỏ "cất trong ngăn kéo đã lâu", nhưng tôi tin rằng, đây là một tác phẩm đồ sộ, bởi không phải nội dung uyên bác, hàn lâm mà chỉ với những hình ảnh đời thường, quằn quại, kiếp sống, loài vật, tâm thức, những thứ thối tha, rác rưởi... lại được đưa vào thơ với những thức diễn đạt đầy tính nghệ thuật, hơi thở tinh hoa, giúp lan tỏa mạnh mẽ những suy tư trong tâm hồn chàng trai trẻ - nhân vật trữ tình này chính là chàng trai Nguyễn Quang Thiều của một thời thổn thức.

Đọc trường ca "Lò Mổ" thấy hiện lên những "nhân vật" và hình ảnh hết sức đặc biệt: Ruồi. Đôi mắt. Thủ cấp. Và đương nhiên là Lò mổ.

Từ trang 24 đến trang 39 trong "Lò Mổ", sách chỉ vỏn vẹn chữ ruồi, được tác giả sắp đặt một cách cố ý. Nó giống như một đàn ruồi nhung nhúc cứ vo ve và trở thành nỗi ám ảnh của cuộc đời.

Không có ánh sáng, không có màu sắc, không có sự sống... Tất cả hiện lên trong từng chương "Lò Mổ" là nỗi ám ảnh về những đôi mắt của những con bò. Hình ảnh ẩn dụ về một bóng ma than trách số phận, than trách cuộc đời nghiệt ngã và đeo đẳng trong tâm thức mỗi con người trong thế giới hỗn loạn.

Ngày 15-2, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ra mắt trường ca “Lò mổ” và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” gồm 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: TT

Ngày 15-2, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ra mắt trường ca “Lò mổ” và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” gồm 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: TT

Đọc trường ca không ai dễ nhận ra đâu là mở đầu và kết thúc, những dòng thơ như máu tuôn xối xả, trực diện từ sau nhát dao mổ xuống những con thú. Thơ không đầu, không cuối, không cần trật tự và sự sắp xếp cố ý nào, như một sự chế nhạo vào tất cả những gì là lô gic của cuộc sống. Tác giả thẳng thắn nói lên một điều: con người nào cũng sẽ là đồ tể nếu không có tình yêu và lòng nhân ái.

Tác giả dẫn dắt người đọc đến tận cùng của nỗi tuyệt vọng, các nhân vật giằng xé, chia lìa giữa sống và chết, để rồi, những gì còn có thể bám víu đó là đức tin. Giống như Đức tin vào Chúa trời, con người sống tiếp là nhờ vào những lời nguyện cầu.

"Lò Mổ" của sự chết đi cùng "Nguyện cầu" cho sự sống!

Và chính cách lý giải đó, khiến tôi không thích "Nguyện cầu". Nếu nhìn ở góc độ đức tin tôn giáo, nếu tác giả nói đến cái chết của con bò, linh hồn nó đau đớn theo nghĩa tường minh, thì con bò không có linh hồn. Nhưng nếu con bò là hình ảnh ẩn dụ, để nói về loài người, thì đúng. Tôi sẽ đánh giá cao góc nhìn nghệ thuật của tác giả: Con bò hay con người sống đều cần tình thương, tình yêu.

Trong thơ của tác giả, nhân vật xuyên suốt là "chàng và nàng" cùng chuyện tình sặc mùi "đồ tể" của họ. Như một sự thoát xác, đức tin đã dẫn dắt hai nhân vật đến với Thánh đường để rồi họ bám víu, nguyện cầu...

Hình ảnh của Chúa hiện lên trong tranh "Nguyện cầu" là cuốn Kinh thánh Tân ước và Cựu ước, cùng những chiếc thánh giá không có hình Chúa Giê su, như người ta vẫn thường thấy trong những nhà thờ Tin lành. Thánh giá hay còn gọi là thập tự thường được vẽ giữa nghĩa địa, hình ảnh này gần với thế giới của sự chết chóc mà tác giả muốn tái hiện. Tuy nhiên, đặt cuốn Kinh thánh xếp cùng với những miếng thịt nhàu nát, thối rữa, những dụng cụ mổ xẻ đầy máu tanh, sự bẩn thỉu và hôi hám của tội lỗi, tác giả có dụng ý gì?

Tôi được nghe tác giả tại Lễ ra mắt Trường ca "Lò Mổ" tâm sự: "Tôi chỉ nhìn thấy bóng tối và nước mắt của cuộc sống này. Thế giới hủy diệt, âm mưu và lộn xộn. Chúng ta có thể đang sống trong một gia đình yên bình, nhưng chúng ta không thể sống yên trong một thế giới đầy hỗn loạn, ngờ vực và hận thù. Bước vào lò mổ thật, tôi thấy máu chảy, ruột bay, tiếng búa vang lên, tiếng gào thét của những con bò giãy dụa giữa sống chết và cả những con bê được sinh ra từ cái chết của con bò mẹ. Nói bao nhiêu cũng không đủ, chỉ qua thơ, anh chị mới có thể đọc được những câu thơ trong văn bản sẽ nói hộ. Hiện thực như một lò mổ, đầy cái chết. Nhưng trong búa, trong dao, trong dây trói, trong máu chảy... thì lời nguyện cầu cho thế gian yên bình mới được vang lên!".

Và tôi đã hiểu tại sao lại từ "Lò Mổ" đến "Nguyện cầu". Cảm ơn tác giả đã cho tôi một góc nhìn sâu sắc và nghệ thuật. Nếu "Lò Mổ" cho ta những áng thơ không đầu không cuối nhưng đầy hình ảnh, kịch tính và nghệ thuật, thì "Nguyện cầu" minh họa rõ nét cho ta thế giới nội tâm sâu sắc trong con người chàng trai - nhà thơ - tác giả Nguyễn Quang Thiều.

Xuất hiện trong lễ ra mắt Trường ca “Lò Mổ” cùng bộ tranh “Nguyện cầu” do Nguyễn Quang Thiều sáng tác, có nhiều người bạn đã dành tâm huyết và tình yêu cho thơ ca với sự giúp đỡ của nhóm nhân sỹ Hà Đông trong công tác tổ chức, nên sự kiện đã diễn ra tràn đầy cảm xúc và tốt đẹp. Thay mặt ban tổ chức, nhà thơ Lương Tử Đức đã có một phần phóng tác tại chỗ bản "Opera Việt Nam" trên những áng thơ của Nguyễn Quang Thiều đầy mỹ cảm, đượm chất mỹ học...

Đông đảo khách mời tại sự kiện ra mắt sách của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam -nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đông đảo khách mời tại sự kiện ra mắt sách của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam -nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Chỉ tiếc một điều, nếu dành riêng cho tôn giáo thì tác phẩm sẽ không dẫn tới đức tin. Nhưng nếu sống trọn vẹn trong thế giới văn học, tác phẩm là một bức tranh sống động, sáng tạo trong từng ý thơ, từng từ ngữ. Lời thơ là sự chuyển hóa của chính cảm xúc trong tác giả, qua nhân vật cô gái, chàng trai và những linh hồn bất tử... để nói về một "thế gian có thể yên bình trong một buổi sáng nhưng có thể ko yên bình trong những ngày còn lại...".

Có những con bò đã không thể nhắm được mắt trong lúc chết. Những đôi mắt đó sẽ mãi ám ảnh mỗi người chúng ta bởi nó quá đẹp và trong trẻo, như đôi mắt em thơ trong tã trắng. Mỗi người phải đối diện với chính những dằn vặt, tội ác của chính mình để rồi, thông điệp cuối cùng là: Hãy làm gì đó cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Có thể là đức tin và nguyện cầu chăng?

Tuyết Trinh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu-lo-mo-cua-su-chet-di-cung-nguyen-cau-cho-su-song-179250215091629786.htm
Zalo