Nhà khoa học được miễn thuế thu nhập

Nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, đồng thời được góp vốn, tham gia điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Nội dung trên được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Quốc hội hôm nay (15/2).

Nghị quyết cũng tăng cường tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu công lập khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức và biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân lực, hợp tác quốc tế.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của nhiệm vụ, trừ những trường hợp nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, tổ chức chủ trì có yếu tố nước ngoài và một số trường hợp đặc biệt khác.

Tổ chức sở hữu kết quả nghiên cứu, phát triển cũng có quyền công bố, đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả khi đáp ứng yêu cầu của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Trường hợp sau năm năm khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức chủ trì không thực hiện triển khai ứng dụng kết quả nhiệm vụ mà có tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu thì Nhà nước sẽ thu hồi và giao cho tổ chức, cá nhân đó để tiếp tục phát triển, ứng dụng.

Nghị quyết cũng đề cập, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi kết quả nghiên cứu, phát triển của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước để phổ biến rộng rãi phục vụ cộng đồng, phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

Với tài sản hình thành từ kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ được theo dõi riêng, không hạch toán chung vào tài sản của tổ chức công lập, không phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại, khấu hao, hao mòn tài sản và được quản lý theo quy định của Chính phủ.

Tài sản này cũng có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc góp vốn liên doanh, liên kết, thương mại hóa. Cơ sở nghiên cứu cũng được tự quyết định việc sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh dịch vụ, cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác.

Đặc biệt, viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập được góp vốn, tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn do tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.

Các quy định trên đều mang tính tháo gỡ các điểm nghẽn của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ hiện nay.

Trước đó tại Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc sáng 30/12/2024, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu một thực tế, hiện nay nhiều kết quả nghiên cứu phải cất ngăn kéo, không ứng dụng được thực tiễn, không chuyển giao cho sản xuất kinh doanh để biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm xã hội.

Nguyên nhân là do những quy định liên quan đến sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cũng như các quy định về định giá kết quả nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Quân cho hay, ở các nước phát triển, kết quả nghiên cứu được mặc định là thuộc sở hữu của cơ quan khoa học chủ trì và các nhà khoa học.

Nhà khoa học có thể đem kết quả nghiên cứu chuyển giao, góp vốn cho doanh nghiệp hoặc tự thành lập doanh nghiệp nhưng Việt Nam chưa cho phép như vậy, thậm chí nhà khoa học còn bị cấm thành lập và điều hành doanh nghiệp. Ông cho rằng, rào cản đó đã khiến các đơn vị nghiên cứu ứng dụng rất khó để có thể tự chủ.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cũng đề xuất mở cánh cửa liên doanh, liên kết cho các nhà khoa học trong cuộc gặp mặt với Tổng bí thư Tô Lâm ngày 30/12/2024.

Ông chia sẻ, bên Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm có gần 350ha đất, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long gần 400ha đất. Một ha bây giờ quản lý khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Nếu liên doanh liên kết có thể lên tới mấy tỷ đồng/ha. Tiền đó quay lại đầu tư cho nghiên cứu và đầu tư lương cho nhà khoa học và hoạt động nghiên cứu. Ông cho rằng, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng không xin ngân sách của nhà nước mà cần cơ chế thông thoáng.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-khoa-hoc-duoc-mien-thue-thu-nhap-post1717284.tpo
Zalo