Ông Phan Văn Mãi: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học mang lại hàng trăm tỉ

'Chúng ta cần mạnh dạn, tôi cấp cho anh 10 tỉ để nghiên cứu, nếu ra được kết quả, kết quả này 'thương mại hóa' được 500 tỉ, anh được hưởng 300 tỉ, 200 tỉ còn lại được đóng góp vào quỹ phát triển khoa học công nghệ của đơn vị, địa phương hoặc Trung ương'- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Sáng 15-2, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thương mại hóa kết quả đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ

Nêu ý kiến, Chủ tịch UBND TP.HCM thay đổi tên gọi của Nghị quyết để thể hiện cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đặc thù để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; không nên chỉ dừng lại ở việc gỡ vướng.

“Phải rất mạnh mẽ như vậy”- ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng tán đồng với một số ý kiến đề xuất phải mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết tới các viện, trường, thậm chí có thể cân nhắc mở rộng tới cả các doanh nghiệp có hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.

“Phạm vi áp dụng phải rộng để huy động hết năng lực quốc gia có liên quan nhằm phát triển đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”- ông Phan Văn Mãi nói.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 15-2. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 15-2. Ảnh: PHẠM THẮNG

Góp ý về một số nội dung cụ thể, ông Phan Văn Mãi lưu ý việc “thương mại hóa” các kết quả đầu tư cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Chúng ta cần mạnh dạn, tôi cấp cho anh 10 tỉ để nghiên cứu, nếu ra được kết quả, kết quả này "thương mại hóa" được 500 tỉ, anh được hưởng 300 tỉ, 200 tỉ còn lại được đóng góp vào quỹ phát triển KHCN của đơn vị, địa phương hoặc Trung ương”- ông Mãi nói việc “thương mại hóa” này có thể đem lại hàng trăm tỉ, nghìn tỉ đồng, thay vì “người ta giao kết quả nghiên cứu, chúng ta bỏ vô ngăn kéo”.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng nếu thực hiện được cơ chế này sẽ thúc đẩy được hai việc: Một là, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tập trung cho hoạt động KHCN; Hai là, hoạt động thực chất, hướng tới một kết quả có thể áp dụng được.

“Nếu không như vậy sẽ chỉ dừng lại ở việc lấy tiền, nghiên cứu là xong, không có giá trị sử dụng sau này”- vẫn lời ông Phan Văn Mãi.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất mạnh dạn giảm thuế cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Người ta có thể ngồi ở Mỹ, ở châu Âu nghiên cứu, nhưng nếu có cơ chế tốt, họ sẽ về Việt Nam nghiên cứu hoặc đăng ký nghiên cứu ở Việt Nam”- ông Phan Văn Mãi nói.

Theo ông, rất nhiều nước đang cho học thạc sỹ, tiến sỹ, thậm chí sau tiến sỹ khi sang tham gia vào các chương trình nghiên cứu của họ. Thực chất họ không đủ nhân lực làm việc này, họ lấy chất xám của mình.

“Nếu chúng ta có chính sách tốt, họ sẽ tổ chức việc nghiên cứu ở Việt Nam. Khi đó, người ta đã giúp mình giải quyết một nhiệm vụ khoa học, tạo ra một cơ hội để đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra một sản phẩm KHCN và chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều cho chúng ta”- ông Phan Văn Mãi nói và đề nghị mạnh dạn miễn giảm thuế cho các hoạt động này.

Liên quan đến quy định về miễn trừ trách nhiệm, ông Phan Văn Mãi đề nghị dự thảo Nghị quyết định rõ việc miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự khi không có lỗi chủ quan và đã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình. “Phải đi sâu vào nội dung này, đây sẽ là vấn đề rất thiết thực”- ông nói.

Về vấn đề đầu tư cho các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi đề nghị đối xử bình đẳng như nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. “Anh nào đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn là chúng ta đầu tư”- ông nói thêm.

Về lo ngại có vấn đề lợi ích nhóm hay "cánh hẩu", ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Chúng ta không thể giới hạn được hết đâu. Nếu có hành vi này thì xử lý bằng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… nếu có đủ bằng chứng. Còn với tinh thần khai phóng KHCN, chúng ta phải mở cơ chế”.

Có thể được miễn trừ trách nhiệm

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Họ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan…

Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, gồm:

-Tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chi tiêu tài chính; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

-Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

-Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số.

-Thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia và phát triển hạ tầng số.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-phan-van-mai-thuong-mai-hoa-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-mang-lai-hang-tram-ti-post834458.html
Zalo