Nhà giáo Nhân dân trải lòng về đổi mới giáo dục

Nhà giáo Vũ Hữu Bình là giáo viên cấp THCS duy nhất tại Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân nhờ những thành tích xuất sắc.

Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ luôn được thầy Bình khắc ghi. Ảnh: Lan Anh

Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ luôn được thầy Bình khắc ghi. Ảnh: Lan Anh

Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn khi kể về quãng đời dạy học cùng những tâm sự về công cuộc đổi mới giáo dục.

Trưởng thành từ căn dặn của Bác

Các thế hệ học sinh yêu Toán không xa lạ với tên tuổi của nhà giáo Vũ Hữu Bình khi ông là chủ biên, tác giả của hàng trăm cuốn sách giáo khoa, tham khảo, nâng cao môn Toán. Đặc biệt, cho đến nay, thầy Bình là nhà giáo cấp THCS duy nhất của Hà Nội được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND).

Hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, kỷ niệm sâu sắc nhất trong ký ức của thầy Bình là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Đó là vào năm 1956, thầy Bình khi ấy là học trò lớp 6 Trường Cấp 2 - 3 Chu Văn An với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc đã vinh dự cùng một số bạn học lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được Bác chia kẹo.

Như một cơ duyên, ngôi trường cấp 2 - 3 Chu Văn An nơi thầy gắn bó thời học sinh và Trường THCS Trưng Vương mà thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người suốt 30 năm đều vinh dự nhiều lần được đón Bác về thăm. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, kim chỉ nam cho hành động của thầy trong suốt cuộc đời dạy học.

Gắn bó với nghề dạy học, NGND Vũ Hữu Bình đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Không ít trong số đó học giỏi, giành nhiều giải thưởng danh giá trong các kỳ thi trong nước và quốc tế. Thầy vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba; danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân...

Cội nguồn của thành công ấy có lẽ phải nói đến quan niệm đầy tính khoa học và nhân văn của thầy “Học sinh không phải là những chiếc bình chứa kiến thức mà phải là những động cơ được vận hành bằng sức đẩy của chính mình”. Bởi vậy, thầy luôn chú trọng đến việc hướng dẫn phương pháp học tập, coi đây là yếu tố quyết định dẫn đến thành công.

Bí quyết ấy được thầy gói gọn trong 6 chữ: “Để học tốt, hãy STOP”. S là say mê, T là tự lực, O là ôn tập, P là phương pháp. Trong giao thông, STOP là hiệu lệnh dừng lại, còn trong học tập, STOP giúp ta tiến lên. Như thầy từng đúc kết, “kiến thức rồi cũng quên đi, chỉ còn phương pháp mãi ghi trong đầu”.

Thầy Bình luôn dạy học trò không chỉ kiến thức mà quan trọng khơi dậy được khả năng tiềm tàng, năng lực mỗi người. Thầy dạy học trò cách suy nghĩ, tư duy, suy luận khi giải quyết các bài toán cũng như nhiều vấn đề trong cuộc sống. Thầy cho rằng, khi các em biết cách giải quyết vấn đề sẽ giành được chiến thắng, vươn lên những đỉnh cao.

 Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình. Ảnh: Lan Anh

Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình. Ảnh: Lan Anh

Nặng lòng với giáo dục

Trong các giờ học môn Toán, thầy Bình luôn chuẩn bị bài giảng theo cách khơi dậy tiềm năng của học sinh, từ chọn bài tập phù hợp, đưa ra những câu hỏi thích hợp; thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, nhận xét, còn học sinh chủ động, sáng tạo trước mỗi bài toán. Từ đó, các em yêu thích môn học, giờ học và học tập hiệu quả, tiến bộ hơn.

Một điều tâm niệm khác của thầy Bình khi dạy học, đó là giáo viên phải luôn công bằng, khích lệ được học trò. Giáo viên không nên tiếc lời khen với học sinh, tất nhiên khen đúng, đánh giá đúng để động viên các em. Được khích lệ từ thành công nhỏ, các em sẽ tự tin để chinh phục những điều lớn hơn.

Thầy Bình bộc bạch: “Tôi luôn coi học trò như người thân, con em của mình. Tất cả điều này đều xuất phát từ tâm, tình cảm chân thành mong muốn các em học hành giỏi giang, thành đạt và trở thành công dân có ích cho xã hội…”.

Là dân Toán, nhưng với tâm hồn thanh cao, lạc quan yêu đời, yêu nghề, thầy Bình còn sáng tác nhiều bài thơ có vần điệu, hình ảnh. Nhiều vần thơ dí dỏm của thầy góp phần khơi gợi hứng thú và mang đến niềm vui cho học trò mỗi khi làm các bài toán vốn xưa nay chưa bao giờ đơn giản.

Thầy Bình nói rằng Bác Hồ làm thơ để động viên toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Học tập Bác, thầy làm thơ là để phục vụ công việc dạy học trong vai trò của người thầy giáo và người viết sách, để động viên phong trào thi đua trên cương vị Bí thư Chi bộ Trường THCS Trưng Vương trước đây.

Dù đã ở tuổi “bát thập đắc hi hỉ”, nhưng NGND Vũ Hữu Bình vẫn quan tâm tới thay đổi tích cực của ngành Giáo dục những năm gần đây. Thầy cho rằng, giáo dục hiện nay có nhiều đổi mới. Quan trọng nhất là thay đổi về cách thức dạy học trước những biến đổi không ngừng của khoa học công nghệ.

Trước kia, giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều thì bây giờ chú ý đến phát triển năng lực, sự vận dụng của học sinh, chú ý đến việc phát huy tính tích cực của học sinh. Giáo dục hiện nay gắn nhiều hơn với thực tế và với các môn học khác.

Đặc biệt, những vấn đề về khoa học kỹ thuật, môi trường, xã hội được đưa vào chương trình nhiều hơn. Ví dụ môn Toán, chương trình đưa thêm vấn đề mới như thống kê xác xuất, ứng dụng thực tế, giúp học sinh hào hứng hơn với giờ học. Tuy vậy, những gì đổi mới cần có thời gian để rút kinh nghiệm. Cái gì tốt thì phát huy, có thể trong cái mới có nội dung chưa phù hợp thì cần điều chỉnh.

Hiện nay, cái khó của việc đổi mới là trường học cần đáp ứng được sự đòi hỏi cao của xã hội. Làm sao giáo dục để học sinh thực hiện tốt nhất những nghĩa vụ của mình, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các em. Do đó, thầy cô cũng đối mặt với rất nhiều áp lực.

Muốn thực hiện công việc của mình, thầy cô phải tự đổi mới, học hỏi để tiếp thu cái mới. Ví dụ môn Khoa học tự nhiên, giáo viên dạy Vật lý phải biết cả về Hóa học, Sinh học và ngược lại. Ngoài ra cũng cần phải giỏi cả Toán, Tin học, thậm chí biết cả ngoại ngữ mở để rộng kiến thức. Đó là đòi hỏi cần thiết đối với giáo viên giai đoạn hiện nay.

Được mời tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Chương trình GDPT mới, NGND Vũ Hữu Bình nhận định: Chương trình có nhiều đổi mới, tạo động lực cho nhà giáo. Giáo viên sẽ không nặng nề dạy kiến thức mà giờ học trở nên nhẹ nhàng, vui hơn với kiến thức gần gũi thực tế, nội dung phù hợp, mang giá trị phục vụ cuộc sống. Thầy sáng tạo còn trò sẽ trở nên thích học và tích cực hơn.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-nhan-dan-trai-long-ve-doi-moi-giao-duc-post715616.html
Zalo