Khen thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024: Tin vui đón Tết cho nhà giáo

Còn chưa đầy 20 ngày để thực hiện khen thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Cô và trò Trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang (Hà Giang). Ảnh: ITN

Cô và trò Trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang (Hà Giang). Ảnh: ITN

Đến hết ngày 31/1, nếu cơ quan, đơn vị không sử dụng hết quỹ tiền thưởng của năm thì không được chuyển nguồn vào quỹ tiền thưởng của năm sau. Tuy vậy, thời điểm này, nhiều tỉnh/thành trên cả nước vẫn chưa thực hiện thủ tục, ban hành quy chế để chi thưởng cho giáo viên theo quy định.

Động lực để cống hiến

Cô Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường được cấp tổng số tiền chi thưởng hơn 300 triệu để thưởng cho giáo viên theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP. Nhà trường đã xây dựng quy chế thực hiện chế độ tiền thưởng để việc chi trả được đảm bảo khách quan, công bằng.

“Khoản thưởng này đem lại niềm vui lớn cho đội ngũ giáo viên trước thềm năm mới. Từ đó, công tác thi đua khen thưởng của nhà trường cũng tốt hơn”, cô Thảo cho biết.

Với giáo viên vùng sâu xa, trước đây, được thưởng Tết là một khái niệm xa lạ, hoặc chỉ mang tính chất tượng trưng. Trước khi có Nghị định 73/2024 của Chính phủ, hầu hết giáo viên có mức thưởng Tết eo hẹp, nhiều nơi không biết đến khái niệm “thưởng Tết” hay “lương tháng 13”. Có Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Tết như về gần hơn với giáo viên vùng khó.

Thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) phấn khởi cho biết: Giáo viên của trường đã nhận được tiền khen thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ. Đối với giáo viên vùng khó, đây là số tiền đảm bảo Tết ấm cho bản thân và gia đình, nguồn động viên lớn lao, giúp thầy cô gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Thầy Sa Quên cho biết thêm, ngành Giáo dục địa phương, nhà trường rất tích cực trong quá trình triển khai Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác bình bầu, thủ tục, lên danh sách giáo viên… được thực hiện công khai, minh bạch, đúng người đúng việc. Việc xét chi khen thưởng cũng thực hiện nhanh chóng nên tập thể cán bộ, giáo viên rất phấn khởi trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Cô Nguyễn Thanh Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thông tin: Chiều 13/1, Hội đồng Sư phạm Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, họp, bình xét xếp loại thi đua để khen thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP. Bao trùm là không khí vui tươi, phấn khởi bởi ai cũng đã nhận được thông báo mức thưởng lớn nhất từ trước tới nay.

“Trước đây chưa có Nghị định 73/2024/NĐ-CP, thầy cô vẫn tích cực trong công việc, nỗ lực dạy tốt hơn mỗi ngày vì tình yêu nghề chứ không chỉ mục đích để nhận thưởng. Tuy nhiên, so với mức thưởng bằng hiện vật hay 500 nghìn đồng như trước đây, Nghị định 73 thúc đẩy lớn đối với giáo viên. Thầy cô sẽ tích cực đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, cô Hiền nói.

Chung cảm xúc, Nguyễn Ngọc Thúy - giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột thực sự phấn khởi khi được thông báo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhận được mức thưởng gần 7 triệu đồng. Đây là sự ghi nhận đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, động lực giúp nhà giáo cùng phấn đấu để sang năm có mức thưởng cao hơn.

Cô Trần Thị Hà - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP Buôn Ma Thuột khẳng định, mới chỉ nhận thông báo được thưởng theo Nghị định 73/2024 nhưng thầy cô nhà trường đã rất vui. Thầy cô sẽ trích một phần tiền thưởng để mua quà hỗ trợ học sinh khó khăn.

 Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà Tết cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: Lan Anh

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà Tết cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: Lan Anh

Người đã nhận, người còn chờ

Trái với thầy cô thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột, hàng chục nghìn giáo viên tại các huyện, thị của Đắk Lắk vẫn “dài cổ” ngóng chờ thưởng theo Nghị định 73/2024. Thầy Tr.L - một giáo viên huyện Buôn Đôn cho biết, đến giờ này chưa có động thái gì về khen thưởng.

“Tiền thưởng thì nên thực hiện công bằng, đồng đều để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nỗ lực trong công tác. Chứ nơi có, nơi chưa thì thầy cô cũng chạnh lòng. Bạn bè tôi khoe nhận thưởng theo Nghị định 73/2024 cách đây cả tháng, còn ở đây đến cuối năm mới ra văn bản”, thầy Tr.L nói.

Chung nhận định, một cô giáo ở huyện Krông Búk Đắk Lắk (băn khoăn): “Chắc chờ thành “hươu cao cổ”. Ngày 31/1 sẽ khóa sổ tiền thưởng năm 2024 nhưng chưa có thông tin hay văn bản thực hiện theo ủy quyền của UBND tỉnh. Nhìn lên TP Buôn Ma Thuột, mỗi giáo viên nhận gần nửa tháng lương mà chúng tôi thấy tủi thân”.

Liên quan đến việc chi thưởng cuối năm, ông Đặng Gia Duẩn - Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ khẳng định đã có chủ trương thống nhất chi theo quy định. “Đơn vị đã họp, rà soát, tuần này ký ban hành quy chế. Cơ bản là kịp để chi khen thưởng nhằm động viên người lao động kịp thời đón Tết an vui”, ông Duẩn nói.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, đơn vị đã có văn bản gửi sở Tài chính đề nghị cấp bổ sung để chi kịp thời cho các đơn vị trực thuộc. Sở cũng động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm cống hiến, mọi chế độ chính sách sẽ tham mưu, thực hiện đầy đủ theo quy định.

Hà Nội - địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 3 nghìn trường học, hơn 2,3 triệu học sinh và trên 124 nghìn giáo viên. Thực hiện Nghị định 73/2024 của Chính phủ, nhiều trường học đã chi trả tiền thưởng cho các nhà giáo, người lao động. Trong khi nhiều trường học trên cùng địa bàn lại chưa nhận được số tiền này.

Cô Nguyễn Thị Xuân - giáo viên Trường THCS Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: Trong khi một số trường xung quanh đã nhận được tiền thưởng theo Nghị định 73/2024 thì cô vẫn chưa nhận được số tiền này bởi trường là đơn vị được giao tự chủ chi thường xuyên. Cùng là giáo viên trên địa bàn huyện nhưng người được nhận, người không khiến cô và đồng nghiệp trong trường không khỏi “chạnh lòng”.

 Thầy cô giáo ở TP Cần Thơ tham gia Hội thi gói bánh tét mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Q.A

Thầy cô giáo ở TP Cần Thơ tham gia Hội thi gói bánh tét mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Q.A

Bảo đảm tiến độ chi trả

Được biết, Hà Nội hiện có khoảng 400 trường THPT và các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập tại các quận, huyện, thị xã được giao tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2024 - 2025. Thực hiện Nghị định số 46/2024/NQ-HĐND TP, các trường này không được tiếp cận nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Nhiều giáo viên cho rằng, họ là viên chức giáo dục, được biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập nên cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như các viên chức khác. Nếu vì lý do nhà trường được xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn mà không được hưởng quyền lợi như viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác là điều thiệt thòi.

Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh, sở đã đề xuất lên UBND TP Hà Nội phương án xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo, người lao động. Đồng thời giao nhiệm vụ cho Công đoàn ngành đề xuất các giải pháp nhằm chi trả kịp thời tiền thưởng cho đội ngũ.

Tại Cần Thơ, chia sẻ của thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa: Trường đã xây dựng xong quy chế vào chiều thứ 7 (11/1) và báo cáo kinh phí về sở GD&ĐT. Hiện các trường cùng với sở GD&ĐT thực hiện rốt ráo việc chi khen thưởng theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ. Bởi sắp Tết Nguyên đán, cán bộ, giáo viên cũng mong chờ có nguồn chi khen thưởng để mọi người có cái Tết ấm áp.

Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên tại TP Cần Thơ, theo quy chế nội bộ về khen thưởng theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, giáo viên có thể được thưởng khi đạt các thành tích đột xuất, với mức từ 3 - 4 triệu đồng.

Những thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi không được tính là đột xuất, vì đã có trong kế hoạch năm học, được thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng. Các tiêu chí còn lại, trường căn cứ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kỷ luật lao động và hiệu quả công việc. Nhà trường sẽ lấy tổng quỹ thưởng chia đều cho tổng nhân sự để lấy mức trung bình.

Trong chuyến thăm, chúc Tết và tặng quà cho nhà giáo, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ: Năm nay, lần đầu tiên Chính phủ cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp, trong đó có trường học sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm được trong năm bằng 10% tổng quỹ lương không tính phụ cấp để làm tiền thưởng cuối năm cho người lao động đơn vị.

Đây là tin vui của nhà giáo, người lao động cả nước. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn các trường học đề xuất, tham mưu cùng lãnh đạo nhà trường khẩn trương nghiên cứu, thực hiện để nhà giáo, người lao động sớm nhận được tiền thưởng cuối năm theo Nghị định 73/2024.

L.Anh - Th.Tâm - Q.Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khen-thuong-cuoi-nam-theo-nghi-dinh-732024-tin-vui-don-tet-cho-nha-giao-post716019.html
Zalo