Xếp hạng đại học Việt Nam: Khó vẫn phải làm

Mục tiêu của bất kỳ trường đại học (ĐH) nào khi tham gia các bảng xếp hạng là để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thúc đẩy hội nhập với giáo dục thế giới.

Học sinh Trường THPT Hùng Thắng (Hải Phòng) tham quan Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THPT Hùng Thắng (Hải Phòng) tham quan Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NTCC.

Tổ chức xếp hạng ĐH Việt Nam vừa công bố kết quả xếp hạng ĐH năm 2025 (VNUR-2025). Trong top 100 của VNUR-2025 có 6 cơ sở giáo dục ĐH giữ vững vị trí xếp hạng so với năm 2024, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc Gia TPHCM tiếp tục đứng ở hai vị trí đầu tiên. Có tổng cộng 11 trường ĐH Y Dược có mặt trong top 100 này.

Nếu nhìn vào số lượng các cơ sở giáo dục ĐH trong top 100 VNUR-2025 phân bổ theo vùng kinh tế không có nhiều sự thay đổi so với năm 2024. Cụ thể là các trường có thứ hạng cao tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Từ góc độ Nhóm ngành đào tạo, số lượng các trường của các nhóm ngành vào top 100 của VNUR-2025 không có sự thay đổi nhiều so với năm 2024. Các cơ sở giáo dục ĐH đa ngành giảm nhẹ nhưng vẫn chiếm ưu thế với tỷ lệ 46%.

Các trường công lập vẫn chiếm đa số trong top 100 với tỷ lệ là 84% tăng nhẹ so với năm 2024, còn lại là trường tư thục. Về tuổi đời, nhiều trường trong nhóm hạng cao năm 2025 thành lập trên 50 năm, tuổi đời bình quân là 48,5 năm trong khi nhóm trường hạng trung bình có tuổi đời bình quân là 39 năm. Ở nhóm cuối, số trường có tuổi đời dưới 30 năm chiếm tỷ lệ đáng kể, với tuổi đời bình quân là 27 năm. Đặc biệt, có những trường tuổi đời còn trẻ nhưng đạt vị trí cao như trường hợp của Trường ĐH Phenikaa, tuy mới thành lập năm 2018, trường đã giữ vị trí thứ 45 trên bảng xếp hạng VNUR-2025.

Việc xếp hạng được thực hiện thông qua Bộ Tiêu chuẩn và Tiêu chí gồm 6 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh toàn diện các sứ mạng cơ bản của cơ sở giáo dục ĐH như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường ĐH thông qua thu thập và xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn (criteria), bao gồm 18 chỉ số (indicators) quan trọng được định cỡ (calibrated) nhằm tạo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất. 6 tiêu chuẩn xếp hạng gồm chất lượng được công nhận, dạy học, công bố bài báo khoa học, nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế, chất lượng người học, cơ sở vật chất.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam, VNUR-2025 xếp hạng trên cơ sở rà soát 237 cơ sở giáo dục ĐH của cả nước, trong đó có 198 trường có đầy đủ số liệu để tiến hành xếp hạng. Như vậy, vẫn còn gần 40 cơ sở giáo dục ĐH chưa tham gia vào bảng xếp hạng này. Mặc dù việc tham gia là tự nguyện nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của các trường bởi thứ hạng phản ánh chất lượng đào tạo, nghiên cứu để xã hội, người học cùng giám sát. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, việc tham gia các bảng xếp hạng quốc tế còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút giảng viên và sinh viên tài năng.

Chính vì thế, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 500 trường ĐH tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục ĐH vào nhóm 200 trường ĐH hàng đầu châu Á.

Theo TS Lê Đông Phương - chuyên gia giáo dục ĐH (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), đây là một nhiệm vụ không đơn giản vì hiện có rất nhiều bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới nhưng mỗi bảng lại có mục đích, tiêu chí và tiêu chuẩn riêng biệt. Điều này dẫn đến tình trạng một trường ĐH có thể được ghi nhận trong bảng xếp hạng này nhưng lại không xuất hiện ở bảng khác, và cũng chưa có bảng xếp hạng nào được công nhận là “chuẩn mực” hay phản ánh hoàn toàn chính xác chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH. Do đó, thứ hạng chỉ mang tính chất tương đối, đóng vai trò như một công cụ so sánh ở mức độ nhất định.

Chuyên gia này cũng chỉ ra một trong những trở ngại lớn nhất mà các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là vấn đề kinh phí. Nhiều trường có mong muốn cải thiện và ghi tên mình vào các bảng xếp hạng quốc tế nhưng lại không đủ nguồn lực để chi trả lệ phí tham gia. Điều này làm hạn chế cơ hội cạnh tranh trên bản đồ giáo dục toàn cầu. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu của Việt Nam hiện chưa được đồng nhất hoặc không tương thích với nhiều chỉ số và tiêu chuẩn của các bảng xếp hạng quốc tế, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đăng ký tham gia các bảng xếp hạng.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xep-hang-dai-hoc-viet-nam-kho-van-phai-lam-10298330.html
Zalo