Người trồng mía với nỗi lo mất mùa, giảm giá

Hiện là thời điểm thu hoạch vụ mía, nhưng không khí ở các ruộng mía lẫn các nhà máy chế biến đường ở Khánh Hòa lại kém vui.

Vào mùa thu hoạch lao động nữ chặt mía được trả theo thành phẩm từ 2.000 đồng/bó, bình quân 200-300 nghìn đồng/ngày công.

Vào mùa thu hoạch lao động nữ chặt mía được trả theo thành phẩm từ 2.000 đồng/bó, bình quân 200-300 nghìn đồng/ngày công.

Người trồng mía phải đối mặt với chi phí đầu tư tăng cao nhưng giá thu mua mía bấp bênh. Lợi nhuận thu được từ cây mía ngày càng giảm sút, khiến nhiều người dân không còn thiết tha với loại cây trồng này.

Ông Lê Phúc Hải, một nông dân có thâm niên trồng mía ở thôn 5, xã Ninh Tân chia sẻ, khoảng 5 năm trước, lúc được mùa, ông lãi khoảng 300 triệu đồng trên 10 ha mía. Nhưng năm nay, do hạn hán, tháng 9, tháng 10 không có mưa nên cây mía chậm phát triển, chỉ cao bằng một nửa so với năm ngoái, sản lượng cũng giảm một nửa. Ví dụ, năm trước gia đình thu về 500 tấn/ha thì nay chỉ còn 300 tấn/ ha.

Ông Hải nói, toàn bộ mía của gia đình ký hợp đồng bán cho Nhà máy đường Cam Ranh với giá 1,2 triệu đồng/tấn, không có thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Giá này bao gồm tiền nhân công, tiền xe vận chuyển từ ruộng ra nhà máy, nên thực tế lãi chẳng còn bao nhiêu.

Mất mùa, năng suất giảm, kéo theo đó là thu nhập của người dân cũng giảm sút nghiêm trọng. Chị Lê Thị Ngọc, người dân thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa cho biết: So với nhiều người, chị chăm sóc mía cũng khá đạt, nhưng tính toán chi phí thì chẳng ăn thua. Chị Ngọc đang tính phá hết gốc mía để chuyển sang trồng cây khác như cây keo, cây sắn.

"Nguyên nhân là do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí nhân công đều tăng nhiều so với năm trước, nhưng giá mía vẫn thấp. Điều này, khiến nhiều nông dân trồng mía gặp khó khăn, không có lợi nhuận, thậm chí có nguy cơ lỗ vốn", chị Lê Thị Ngọc chia sẻ.

Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, vụ mía năm 2024-2025, toàn xã có 1.230 ha mía. Do thời tiết không thuận lợi, năng suất mía đã giảm so với niên vụ trước. Cụ thể, năng suất mía giảm từ 57 tấn/ha trong niên vụ 2023-2024 xuống còn 50-54 tấn/ha trong niên vụ 2024-2025.

"Nắng hạn kéo dài đầu vụ, mưa muộn, rồi đến giai đoạn mía chín thì gặp không khí lạnh, khiến cây mía không tích lũy được đường", ông Tịnh cho biết.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã kiến nghị đến các nhà máy đường điều chỉnh giá thu mua hợp lý, đảm bảo lợi nhuận tương xứng cho nông dân. Ngoài ra, các nhà máy đường trên địa bàn cần đẩy mạnh các chương trình tập huấn, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng mía, xây dựng các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp nông dân đầu tư vào sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, mở rộng đầu ra để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm.

"Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ sẽ nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường", ông Sử Hồng Quốc Tịnh nhấn mạnh.

Ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, cho hay, vụ mía năm nay (2024-2025) toàn tỉnh ước diện tích trồng có 7.694 ha. Hiện nay mía đang trong thời gian thu hoạch, năng suất bình quân đầu vụ ước đạt 64 tấn/ha, chữ đường bình quân 9 CCS. Cây mía hiện nay có chữ đường thấp do giai đoạn mía chín thì bị ảnh hưởng bởi mưa kéo dài làm ảnh hưởng tích lũy đường. Giá mua mía bình quân 1,16 triệu đồng/tấn/10 CCS (bao gồm hỗ trợ tăng bo, bốc xếp, hỗ trợ đầu vụ), lợi nhuận người nông dân thu được khoảng 15-17 triệu/ha.

Nhiều năm qua, trong tình hình chung cả nước, ngành mía đường tỉnh Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn như diện tích sản xuất nhỏ nên khó áp dụng cơ giới hóa. Toàn bộ diện tích mía đều nhờ vào nước trời, chưa có công trình thủy lợi phục vụ tưới, sự bất lợi của thời tiết, bệnh trắng lá mía… nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 56 tấn/ha.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, giá mua mía nguyên liệu luôn ổn định trên 1,1 triệu đồng/tấn (10 CCS) nhưng chi phí đầu vào như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chặt, vận chuyển, bốc xếp liên tục tăng nên thu nhập người trồng mía so với các loại cây trồng khác là không cao. Một vùng trồng mía truyền thống ở huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa… được quy hoạch vào mục đích sử dụng khác nên diện tích trồng mía bị thu hẹp. Do đó, diện tích cây mía giảm từ 12.500 ha năm 2020-2021, xuống còn 7.690 ha (năm 2025).

Để người nông dân gắn bó với cây mía, ông Lê Bá Ninh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho hay, tỉnh đã quy hoạch ổn định sản xuất mía là 12.000 ha. Đây là cơ sở pháp lý để ngành và các địa phương có trồng mía và 2 công ty mía đường tìm các giải pháp nhằm khôi phục và phát triển ngành mía.

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với UBND các địa phương và hai công ty mía đường để rà soát, phát triển vùng nguyên liệu mía phù hợp với cơ cấu ngành và quy hoạch của tỉnh, đồng thời tăng cường chỉ đạo sản xuất mía theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Các cơ quan chuyên môn cũng sẽ phối hợp với công ty mía đường để tăng cường khuyến nông, phổ biến mô hình sản xuất hiệu quả và giống mía tốt cho người dân.

Xe ô tô vào tận ruộng để vận chuyển mía đến nhà máy đường.

Xe ô tô vào tận ruộng để vận chuyển mía đến nhà máy đường.

Các địa phương sẽ thống kê, theo dõi chặt chẽ diện tích và sản lượng mía, kịp thời nắm bắt và báo cáo khó khăn của người dân, đồng thời vận động người dân tham gia liên kết với các công ty. Các công ty mía đường sẽ tiếp tục hỗ trợ người trồng mía về vốn, máy móc, tưới tiêu, cải tạo diện tích, giảm chi phí vật tư, ứng dụng giống mía chất lượng và có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, giá, công vận chuyển. Đặc biệt, công ty có trách nhiệm thu mua hết mía và chia sẻ rủi ro với người dân qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân.

Tin, ảnh: Đặng Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nguoi-trong-mia-voi-noi-lo-mat-mua-giam-gia-20250214170901379.htm
Zalo