Người góp phần bảo tồn cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi

Hơn 7 năm qua, ông Đặng Quang Long ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, đã sưu tầm, lưu giữ khoảng 30 bộ chiêng với hơn 100 chiếc, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Long giới thiệu những chiếc chiêng do mình sưu tầm với các đoàn viên thanh niên. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ông Long giới thiệu những chiếc chiêng do mình sưu tầm với các đoàn viên thanh niên. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Làm công việc chăm sóc, mua bán các loại cây cảnh nhưng ông Đặng Quang Long (sinh năm 1976, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) lại có niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm thanh của các loại nhạc cụ cổ truyền như cồng, chiêng, khèn, trống...

Hơn 7 năm qua, ông đã sưu tầm, lưu giữ khoảng 30 bộ chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 100 chiếc.

Theo ông Long, từ năm 2018, khi đến các thôn, xóm tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi để mua cây cảnh, ông đã được nghe, xem các già làng đánh cồng, chiêng và kể về ý nghĩa các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên một số người đã mang bán những bộ cồng chiêng quý. Lo ngại các loại nhạc cụ này bị mai một, ông đã mua lại. Đến nay, ông đã có hàng trăm chiếc chiêng không chỉ của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi mà còn của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

“Có lúc tôi mua được cả bộ chiêng bao gồm bộ 3 chiếc, 5 chiếc; có khi chỉ mua lẻ được từng chiếc,” ông Long cho biết.

Không chỉ sưu tầm cồng, chiêng, ông Long còn sưu tầm nhiều vật dụng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như gùi, cối đá, nồi đồng... Tất cả loại nhạc cụ, vật dụng này đều được ông sắp xếp ngăn nắp, trưng bày tại phòng khách ngôi nhà để mọi người có thể đến tham quan.

“Điều trăn trở nhất của tôi là dù đam mê âm nhạc truyền thống và đã nhiều lần cố gắng học đánh cồng, chiêng nhưng đến nay tôi vẫn chưa đánh được. Tôi sẵn sàng cho mượn chiêng để phục vụ việc truyền dạy, biểu diễn,” ông Long cho hay.

 Ngoài cồng chiêng, ông Long còn sưu tầm các vật dụng khác như gùi, nồi đồng... (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ngoài cồng chiêng, ông Long còn sưu tầm các vật dụng khác như gùi, nồi đồng... (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hà, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 900 hộ có chiêng với hơn 1.000 bộ chiêng; khoảng 1.500 người biết đánh chiêng và 30 người biết chỉnh chiêng.

Những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào H’re. Tuy nhiên, vẫn có người bán đi những bộ cồng chiêng quý. Do vậy, việc lưu giữ, bảo quản cồng chiêng của ông Đặng Quang Long sẽ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống để lưu truyền cho thế hệ trẻ.

“Những nỗ lực của ông Đặng Quang Long trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào H’re là rất đáng trân trọng. Bộ sưu tập của ông không chỉ là tài sản cá nhân mà còn đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào H’re cũng như các dân tộc thiểu số khác. Để phát huy hiệu quả giá trị của bộ sưu tập, Ủy ban Nhân dân huyện đang phối hợp cùng ông Long để sử dụng số cồng chiêng này dạy các bạn trẻ tập đánh và dùng trong các đợt biểu diễn văn nghệ...,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hà Phan Anh Quang cho biết.

Ngưỡng mộ đối với bộ sưu tập cồng chiêng do ông Long lưu giữ, chị Phạm Hiền Trang (đến từ huyện Ba Tơ) cho biết ông Long không phải là người biết đánh cồng chiêng, cũng không phải người dân tộc thiểu số nhưng lại có tình yêu, đam mê đối với nghệ thuật truyền thống. Từ đó, ông có một “bảo tàng” cồng chiêng đồ sộ như hiện tại mà khiến nhiều người nể phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-gop-phan-bao-ton-cong-chieng-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-quang-ngai-post1013614.vnp
Zalo