Người dân TP.HCM ăn mặn hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người chỉ nên sử dụng dưới 5g muối/ngày, trong khi đó tại TP.HCM trung bình mỗi người dân sử dụng lên đến 8,5g muối/ngày. Thói quen ăn mặn này sẽ khiến cho người dân có nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong năm 2024 vừa qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi duy trì mức thấp 4,5%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi 5,8%. Hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai được triển khai đồng bộ và hiệu quả, chưa ghi nhận tình trạng thiếu vitamin A trên lâm sàng.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_287_51508775/2b621f21316fd831817e.jpg)
Ảnh minh họa
Tuy nhiên quá trình đô thị hóa, lối sống tĩnh tại, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý ở người dân vẫn còn nhiều hạn chế; sự mất cân đối trong chế độ ăn uống như ăn ít rau xanh, trái cây, thói quen ăn mặn, nhiều chất béo… ít nhiều ảnh hưởng đến việc gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở các nhóm đối tượng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, người dân TP có thói quen ăn mặn nên nguy cơ mắc các bệnh bệnh không lây nhiễm là rất lớn.
“Số liệu báo cáo ghi nhận, trong năm 2024, người dân TP sử dụng bình quân 8,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 5g muối/ngày”, bác sĩ Dương cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Huyết áp tăng là yếu tố chính gây ra đột quỵ, suy tim và đau cơ tim…
Ngoài ra, những người bị nhiễm vi khuẩn HP, nếu ăn muối nhiều có khả năng bị ung thư cao hơn. Do muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Để vượt qua các thách thức, bác sĩ Dương cho biết bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, cần có sự phối hợp liên ngành để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các giải pháp.
Trong năm 2025 này, ngành y tế TP đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thay đổi thói quen dinh dưỡng không hợp lý. Trong, đó TP sẽ tập trung tăng cường giáo dục dinh dưỡng, thay đổi hành vi; tư vấn cải thiện bữa ăn gia đình và suất ăn tập thể; truyền thông hạn chế tiêu thụ muối, đường, dán nhãn cảnh báo chất béo xấu; tăng cường khám sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng; giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động dinh dưỡng.
Bên cạnh các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng thì dinh dưỡng cho người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác điều trị, phục hồi sức khỏe. Công tác dinh dưỡng tiết chế cần tiếp tục triển khai và hoạt động có hiệu quả hơn tại các bệnh viện. Người bệnh đến khám và nằm viện cần được sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng.
“Chăm sóc dinh dưỡng không chỉ là vấn đề của ngành y tế mà cần có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể để nâng cao sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước”, bác sĩ Dương nhấn mạnh.