Người đàn ông 45 tuổi chấn thương sọ não, hôn mê sau đốt pháo tự chế trong đám cưới
Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng dập não vùng trán hai bên, vỡ xương phức tạp vùng hàm mặt, bỏng độ II - III vùng mặt, hôn mê.
Ngày 25/12, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa qua, các bác sĩ Khoa Hồi sức Thần kinh của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 1 bệnh nhân nam 45 tuổi bị thương tích nặng vùng đầu, mặt do pháo nổ.
Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân bị tai nạn khi tham dự đám cưới. Trong quá trình chuẩn bị châm lửa cho dàn pháo tự chế, một quả pháo bất ngờ phát nổ, gây thương tích nghiêm trọng. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê, chấn thương sọ não hở: dập não vùng trán hai bên, vỡ xương vùng trán hai bên - đỉnh phải, vỡ xương phức tạp vùng hàm mặt, vỡ xương đá phải, bỏng độ II - III vùng mặt, bỏng độ II hai mắt.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu mở xương sọ vùng trán hai bên giải ép não, lấy dị vật, khâu vết thương phần mềm. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực tại bệnh viện.
Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ổn định và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị. Tuy nhiên, tổn thương di chứng thần kinh nặng nề về nhận thức ý thức, liệt vận động, đặc biệt với tổn thương về mắt dẫn đến thị lực của bệnh nhân đã mất vĩnh viễn, cùng với các tổn thương vùng hàm mặt gây di chứng mất thẩm mỹ nặng nề. Hậu quả của vụ việc gây nên những thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của bệnh nhân.
BS Nguyễn Công Thành, Khoa Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vùng trán là phần não kiểm soát các kỹ năng nhận thức quan trọng ở con người. Chẳng hạn như biểu hiện cảm xúc, giải quyết vấn đề, trí nhớ, ngôn ngữ, phán đoán và hành vi tình dục.
Về bản chất, nó là "bảng điều khiển" tính cách và khả năng giao tiếp của con người. Tổn thương dập não vùng trán hai bên không chỉ gây suy giảm khả năng nhận thức mà còn có thể dẫn đến rối loạn hành vi, mất khả năng tập trung hoặc thậm chí thay đổi tính cách.
Theo BS Thành, việc vỡ xương sọ, đặc biệt là vùng trán và đỉnh, đi kèm tăng áp lực nội sọ có nguy cơ gây chèn ép nghiêm trọng lên mô não, làm tổn thương không thể phục hồi các tế bào thần kinh.
Ngoài ra, chấn thương sọ não hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thần kinh trung ương; tổn thương xương hàm mặt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp, để lại những tác động lâu dài đến thể chất và tâm lý của nạn nhân.
Từ trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tự giác thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng các loại pháo nổ, để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản có thể xảy ra.