Lào Cai quan tâm thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời. Qua đó, hạn chế những hậu quả do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Trên cơ sở đó, tỉnh Lào Cai đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác dân số trong thời kỳ mới. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật, trước sinh và sơ sinh (gọi tắt là Chương trình).
Theo nhận định của bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh, nấc thang đầu tiên để đánh giá chất lượng dân số là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Do đó, thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh là công việc quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trước đây, nhiều bà mẹ mang thai đến bệnh viện kiểm tra định kỳ chỉ quan tâm đến giới tính thai nhi, chưa mặn mà việc khám sàng lọc, chẩn đoán dị tật. Ngoài ra, việc lấy máu gót chân ở trẻ sau sinh cũng khó triển khai, do nhiều sản phụ xin xuất viện sớm hoặc lo sợ con bị đau…
Vì vậy, để thực hiện Chương trình hiệu quả, Chi cục Dân số tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về lợi ích khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Cụ thể, các bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức tư vấn sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh lồng ghép trong các buổi họp hội đồng người bệnh. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông trực tiếp, gián tiếp bằng nhiều hình thức, như livestream, sử dụng loa phát thanh, viết bài trên các trang mạng xã hội…
Nhờ sự chủ động, tích cực, việc thực hiện Chương trình đạt được kết quả tích cực, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc được nâng cao. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 7.138 trường hợp thực hiện sàng lọc trước sinh (đạt 127,2% kế hoạch năm), phát hiện 113 trường hợp thai nhi có dị tật và bất thường khác (đình chỉ thai nghén 57 trường hợp, theo dõi chuyển tuyến 56 trường hợp); 7.335 trẻ sinh ra thực hiện sàng lọc sơ sinh (đạt 114,9% kế hoạch năm), phát hiện 848 trường hợp nguy cơ cao bị bệnh được quản lý, theo dõi, tư vấn.
Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là thực hiện xét nghiệm cho phụ nữ khi mang thai và trẻ sơ sinh. Mục đích là để phát hiện sớm các nguy cơ về bệnh lý di truyền, bệnh lý nội tiết, bệnh về nhiễm sắc thể và các dị tật bẩm sinh khác. Từ đó, giảm thiểu số trẻ sinh ra bị các bệnh, dị dạng nặng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh
Hiện, Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ miễn phí và xã hội hóa tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh, gồm Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 9/9 bệnh viện tuyến huyện; 1 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh). Ngoài ra, sàng lọc sơ sinh được triển khai tại cơ sở y tế tuyến xã (lấy máu gót chân tại nhà).
Thời gian tới, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường mở lớp đào tạo tập huấn kỹ năng truyền thông tư vấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ chuyên trách dân số, y tế về sàng lọc trước sinh và sơ sinh phù hợp với đặc thù thực tế của địa phương; tiếp tục phối hợp, đồng hành với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện lồng ghép các hoạt động chuyên môn với các hoạt động công tác dân số và phát triển. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế có những biện pháp chỉ đạo nâng cao kỹ năng thực hành về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; đầu tư trang - thiết bị cho y tế cơ sở để bảo đảm đủ điều kiện tư vấn, cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ứng dụng kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...